Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

TPHCM triển khai nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai năm 2023

Chặt tỉa, xử lý cây xanh không an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất cây xanh ngã đỗ khi xảy ra giông gió, mưa bão.

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 trên địa bàn TP.

Theo đó, TPHCM đề ra một số giải pháp cho từng khu vực. Cụ thể, khu vực Cần Giờ, TP rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư, chủ động di dời dân ra khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm; phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, du lịch sinh thái… thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai bất thường. Xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn, các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình chắn sóng. Nâng cấp và phát triển các hệ thống thông tin liên lạc ven biển, trên biển, trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, khu vực xung yếu để phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực ven biển Cần Giờ, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu, tránh, trú bão. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ nhằm phát huy tác dụng phòng chống, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đối với khu vực trên biển, TP tổ chức quản lý, có phương án đảm bảo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là tàu thuyền và ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản trên biển trước và trong khi bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra, nhất là đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc kết hợp truyền tin cảnh báo, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, sóng thần, thiên tai tới ngư dân, tàu thuyền và công trình trên biển.

Đồng thời, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển chuyên nghiệp, trang bị các phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn thiết yếu; nâng cao năng lực cứu nạn cho lực lượng bán chuyên trách của ngư dân hoạt động trên các tàu thuyền.

Đối với khu vực ngoại thành và vùng ven, TP đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, công trình thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, xả lũ, mưa lớn. Lưu ý các khu vực xung yếu, trọng điểm có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ gây ngập úng, các vùng có nguy cơ sạt lở cao và nghiêm trọng (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức).

Đồng thời, triển khai các dự án nạo vét sông, kênh, rạch; vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, lòng sông, kênh, rạch làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước.

Đối với khu vực nội thành, TP rà soát, bổ sung các phương án giảm ngập, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm chống ngập do triều cường, mưa, xả lũ; xây dựng công trình, cống kiểm soát triều, cống thoát nước, hồ điều tiết, trong đó phải tính toán đến yếu tố nước biển dâng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng an toàn hệ thống điện, nước, kho tàng, khảo sát các chung cư cũ, xuống cấp, nhà ở tạm bợ ven sông, kênh, rạch để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và đảm bảo an toàn cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Đồng thời, kiểm tra, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chằng chống, gia cố các pa-nô, bảng quảng cáo đúng kỹ thuật do ngành xây dựng quy định nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, lốc xoáy, giông gió. Kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, xử lý cây xanh không an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất cây xanh ngã đỗ khi xảy ra giông gió, mưa bão.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo