Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất

Lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao Bằng khen đến các kiến trúc sư có công trình kiến trúc tiêu biểu 50 năm.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 19/4, tại TPHCM, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam phối hợp với Hội KTS TPHCM tổ chức Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, KTS, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lý luận phê bình, bảo tồn di sản, đào tạo KTS, quản lý nhà nước,… đến từ Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TPHCM cho biết, thông thường khi nhắc đến “di sản kiến trúc” đều là các kiến trúc thời Pháp. Tuy nhiên, từ năm 1954-1975, có rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật do người Việt làm ra, phù hợp với văn hóa, khí hậu, môi trường Việt Nam, tạo được một dấu ấn kiến trúc. Các KTS miền Nam đã tạo ra kiến trúc mà rất nhiều KTS trên thế giới đã khẳng định, Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng là cái nôi của kiến trúc bản địa hiện đại. Tất cả kiến trúc tiên tiến, hiện đại, phù hợp với cuộc sống, môi trường thì sau này sẽ trở thành bản sắc, trở thành di sản. Đó là Dinh Độc Lập, Thư viện Tổng hợp TPHCM, Trường Đại học Y dược TPHCM, Trường THPT chuyên Trần Đại nghĩa, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM); Nhà thờ Phủ Cam (ở Huế, 2A Trần Hưng Đạo TP Đà Lạt); Đại học Sư phạm Huế; công trình nhà ở cao tầng ở công trường Lam Sơn (147/1A Đề Thám), cao ốc Bộ Xây dựng (Hà Nội); Nhà thờ chính tòa TP Vĩnh Long..., sau năm 1975, có một số công trình tiêu biểu như: trụ sở Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Nhà hát Hòa Bình, công trình 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ga Hà Nội…

Hội thảo đã đánh giá khái quát, khách quan nhưng sâu sắc về những thành tựu trong phát triển quy hoạch kiến trúc của đất nước, trong đó có TPHCM và các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như chỉ ra những yếu kém còn tồn tại đã và đang hạn chế sự phát triển của nền kiến trúc nói riêng, kinh tế cả nước nói chung.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu phát biểu giới thiệu các công trình kiến trúc tiêu biểu tại hội thảo. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu phát biểu giới thiệu các công trình kiến trúc tiêu biểu tại hội thảo.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, diện mạo kiến trúc đô thị của nước ta ngày càng khang trang, hiện đại và bản sắc. Tiến trình đô thị hóa và phát triển hệ thống đô thị đã tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Kiến trúc đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại đã đem đến cho người dân một nơi chốn bền vững, hạnh phúc, thân thiện với môi trường, với con người. Giới KTS đã không ngừng lao động sáng tạo, tạo nên hàng trăm ngàn công trình kiến trúc có giá trị về kinh tế, về thẩm mỹ làm giàu thêm kho tàng kiến trúc dân tộc và nền văn học nghệ thuật của nước nhà.

Nhân dịp này, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam (bao gồm 34 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở vào) dựa trên đề cử của các Hội KTS địa phương.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Hội KTS Việt Nam đã trao tặng “Bằng khen Công trình Kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam - 50 năm đất nước thống nhất” cho 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam. Trong đó, có công trình Khu tưởng niệm các Vua Hùng (ở TP Thủ Đức và Thuận An – Bình Dương); Nhà thiếu nhi TPHCM của KTS Nguyễn Trường Lưu; Đền tưởng niệm Bến Dược – Củ Chi của KTS Khương Văn Mười; Nhà văn hóa sinh viên TPHCM tại Làng đại học quốc gia TPHCM của KTS Nguyễn Trung Kiên; Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em – Bệnh viện Nhi đồng 1 của KTS Võ Thị Anh Trâm; Tòa nhà văn phòng Operaview Quận 1 của KTS Trần Khánh Trung…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo