Tại chương trình, Phó Chánh án TAND TPHCM Đỗ Khắc Tuấn cho biết: Trung bình mỗi năm TAND hai cấp TP giải quyết khoảng gần 60.000 vụ án; trong quá trình giải quyết vụ án vì một số trở ngại mà vụ án chưa thể tiếp cận thủ tục giải quyết được và tòa án tạm đình chỉ vụ án. Trong đó, án dân sự chiếm tỷ lệ lớn. Chẳng hạn như năm 2015, tạm đình chỉ 4.446 vụ, chiếm 7,85% tổng số vụ việc mà TAND hai cấp thụ lý; năm 2016 tạm đình chỉ 3.809 vụ, chiếm 6,4%; 2017 tạm đình chỉ 3.482 vụ, chiếm 5,86%; 4 tháng đầu năm 2018 tạm đình chỉ 3.381 vụ, chiếm tỷ lệ 17,56%.
Nguyên nhân tạm đình chỉ vụ án là để đợi xác minh, thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức khác như đợi kết quả giám định, kết quả định giá, kết quả đo vẽ hiện trạng tranh chấp nhà đất...; tạm đình chỉ để đợi kết quả giải quyết vụ án khác hoặc đợi kết quả giải quyết các vụ việc mà pháp luật quy định là phải do cơ quan khác giải quyết trước, giải quyết xong thì tòa án mới giải quyết được; tạm đình chỉ để đợi kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài để thu thập chứng cứ hoặc triệu tập đương sự ở nước ngoài; đợi kết quả giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp hoặc giải quyết vụ án đương sự là tổ chức thay đổi pháp lý, bị giải thể, cá nhân chết mà chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng...
“Chúng tôi xác định rằng, việc tạm đình chỉ vụ án cũng như là một khoản nợ của tòa án đối với người dân, chúng tôi phải tìm mọi cách để khắc phục việc tạm đình chỉ này, nhưng số lượng án mà tòa án hai cấp TP phải giải quyết là rất lớn, áp lực cho mỗi thẩm phán là rất cao” - ông Đỗ Khắc Tuấn nói.
Theo ông Đỗ Khắc Tuấn, trong quá trình giải quyết tranh chấp, thông thường khi bị đơn tham gia tố tụng thì họ thường không hợp tác hoặc họ tìm mọi cách tạo khó khăn cho tòa án, kéo dài việc giải quyết vụ án của tòa án. Do đó, việc khắc phục các lý do tạm đình chỉ là vấn đề rất khó khăn cho tòa án. Để khắc phục tình trạng này, ông Đỗ Khắc Tuấn cho biết: TAND hai cấp TP thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các thẩm phán phải kiểm tra lại các vụ án của mình, nếu thấy việc tạm đình chỉ là không có căn cứ thì phải kịp thời phục hồi để đưa vụ án ra giải quyết. Trong trường hợp lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì phải kiểm tra lại và có đôn đốc nhắc nhở, khắc phục trở ngại đó.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh cho hay: Qua giám sát và khảo sát có 3 vấn đề kéo dài xét xử. Thứ nhất là trách nhiệm của một số thẩm phán không tích cực hỗ trợ cho người dân khi người dân yêu cầu những vấn đề thu thập chứng cứ. Thứ hai là sự trả lời của cơ quan, đơn vị còn chung chung, như trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Thứ ba là luật sư khi ký hợp đồng đã nhận tiền.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM thừa nhận: Thời gian qua cũng có một số luật sư thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Đoàn luật sư đã xử lý những trường hợp này. Cơ quan tổ chức nếu phát hiện vi phạm này thì phản ánh với Đoàn luật sư để xử lý các luật sư vi phạm.
Để khắc phục tình trạng tạm đình chỉ án, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng nên có quy chế phối hợp giữa tòa án với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời có những chế tài thì câu chuyện tạm đình chỉ mới có hồi kết thúc.
Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM Huỳnh Thị Hon cho biết: Để khắc phục việc tạm đình chỉ vụ án, trong thời gian tới, đối với ngành tòa án, thẩm phán phải tăng cường vai trò trách nhiệm trong giải quyết án; lãnh đạo tòa án cũng phải có quyết tâm chính trị trong việc chỉ đạo giải quyết án, nhất là án quá hạn và án tạm đình chỉ. Còn đối với ngành kiểm sát, sẽ tăng cường kiểm soát án quá hạn, án tạm đình chỉ; tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị; nắm chắc lý do tạm đình chỉ để khi lý do không còn thì thẩm phán phải kịp thời đưa ra giải quyết...
Phát biểu kết luận chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng đội ngũ thẩm phán phải quyết liệt, đeo bám giải quyết việc thu thập chứng cứ ngày càng nhanh; lãnh đạo TAND các cấp phải có giải pháp đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập chứng cứ để đưa các vụ án ra xét xử ngày càng nhanh hơn. Đồng thời, các cơ quan chức năng nhanh chóng trả lời những chứng cứ cho người dân một cách tốt nhất. Thường trực HĐND TP giao Ban Pháp chế HĐND TP giám sát tiến độ trả lời, đưa ra xét xử của tòa án các cấp đối với các ý kiến phản ánh của cử tri.