Giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát mùi
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hiện nay, việc xử lý chất thải của TP chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng việc này còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của TP. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 hơn 3 triệu tấn, trung bình hơn 9.000 tấn/ngày. Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp hơn 2,2 triệu tấn chiếm 72,52% trên tổng khối lượng chất thải năm 2018.
Trong đó, chôn lấp tại Khu Đa Phước hơn 2 triệu tấn, trung bình hơn 6.000 tấn/ngày; chôn lấp tại Khu Tây Bắc là 207.716,53 tấn, trung bình 621,91 tấn/ngày. Tái chế tại Công ty Cổ phần Vietstar là 444.541,30 tấn, trung bình 1.330,96 tấn/ngày; tái chế Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là 401.937,61 tấn, trung bình 1.203,41 tấn/ngày.
Mặc dù, các bãi chôn lấp tại TP là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp phù hợp với điều kiện kinh tế của TP ở giai đoạn trước đây và kèm theo các vấn đề về mùi hôi. Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết: Trên cơ sở quy hoạch định hướng hệ thống quản lý chất thải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến quản lý môi trường xanh; trên cơ sở các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và TPHCM, ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.
Để đạt được mục tiêu này, TP đã bàn bạc, thống nhất cần phải tiến hành chuyển đổi công nghệ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện, hướng đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20% theo Nghị quyết 03/NQ-HĐND của HĐND TP trong giai đoạn đến năm 2020, gồm các nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Tasco và tiếp theo đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt phát điện trong năm 2020.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, việc chuyển đổi công nghệ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện đem lại một số lợi ích. Cụ thể, sản phẩm của công nghệ giúp thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia; các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng. Về lợi ích của dự án là giảm lượng chất thải nếu đem chôn lấp; giảm diện tích đất chôn lấp; tạo năng lượng xanh; giảm phát thải khí nhà kính; ít nước rỉ rác, kiểm soát mùi dễ hơn.
Nguồn đầu vào để tái tạo, tái chế thành điện năng
Tại buổi họp báo, đại diện các nhà đầu tư đã trình bày một số công nghệ chuyển đổi sang đốt phát điện mà đơn vị đang triển khai tại các nhà máy xử lý rác thải. Tổng Giám đốc Công ty Vietstar Ngô Như Hùng Việt (nhà đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ, gia tăng công suất tái chế và đốt rác phát điện không chôn lấp, Vietstar tự nguyện và đang mạnh dạn phát huy kế hoạch gia tăng công suất như cải tiến hệ thống phân loại và tái chế dùng 100% thiết bị mới để tăng công suất từ 2.000 tấn/ngày đã được chấp thuận lên 6.000 tấn/ngày. Hệ thống khép kín không phát tán mùi hôi. Đang triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện với công nghệ hiện đại công suất 2.000 tấn/ngày cho giai đoạn 1 (đang triển khai và sẽ hoàn thành cuối năm 2020) và thêm 2.000 tấn/ngày cho giai đoạn 2 (hoàn thành trong năm 2021) để xử lý rác không tái chế từ hệ thống phân loại và tái chế trên. Hệ thống này cũng hoàn toàn khép kín không phát tán mùi hôi.
Nhà máy xử lý rác Gò Cát biến rác thành điện“Việc phát triển nhà máy tích hợp Vietstar không đòi hỏi thêm đất của TP; bố trí dây chuyền công nghệ hoàn toàn kín không để mùi hôi phát tán ra bên ngoài; phân loại rác và tái chế giúp rác còn lại có nhiệt trị cao, đốt dễ dàng hơn” - ông Ngô Như Hùng Việt cam kết.
Còn ông Ngô Xuân Tiệc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa thông tin: Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa theo chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác của TP đặt tại Khu xử lý rác Tây Bắc xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi có tổng diện tích 20ha, trong đó phần xây nhà máy đốt rác phát điện 8ha; công suất xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày đêm; các sản phẩm từ dự án công suất phát điện 40MW, gạch không nung là 200 tấn/ngày.
Về công nghệ chuyển đổi của dự án là công nghệ Martin GmHb - Cộng hòa Liên bang Đức có đặc điểm kiểm soát triệt để mùi hôi, khép kín từ khâu tiếp nhận vào nhà máy đến xả thải. Khí thải, nước thải, tro bay được xử lý đạt quy chuẩn, theo quy định hiện hành.
Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa kiến nghị UBND TP, các sở, ban, ngành cần hỗ trợ tối đa hơn nữa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết cho dự án sớm triển khai. TP cần có cơ chế đặc thù hoặc ưu tiên về thủ tục cần thiết cho loại hình dự án này.
Phát biểu tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: Rác hiện nay là nguồn nguyên liệu rất quan trọng, là nguồn đầu vào để tái tạo, tái chế thành điện năng phục vụ cho công việc sinh hoạt và sản xuất. Lộ trình TP đặt ra là đến năm 2020 giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống dưới 50%. Đây là mong muốn của người dân TP là có một môi trường sống tốt hơn, trong đó khâu xử lý rác phải đạt yêu cầu là xử lý rác nhưng không gây ra ô nhiễm môi trường, xử lý rác để biến thành nguồn năng lượng, nguyên liệu phục vụ cho các ngành khác.
Về kinh phí xử lý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng thông tin: Hiện nay, kinh phí xử lý rác dao động từ 550.000 đồng/tấn trở xuống. Như vậy, với việc đổi mới công nghệ, các chủ đầu tư cũng tính đến việc thu lại nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ của mình nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định trình tự. Về trình tự thủ tục thực hiện chuyển đổi công nghệ, hiện nay được thực hiện theo các quy định.