Đây là một ví dụ cụ thể của việc thành phố đang tích cực, chủ động trong công tác quản lý thông tin trên mạng Internet nhằm ngăn chặn việc khai thác, truyền bá thông tin xấu, độc hại trên mạng, đảm bảo hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và chủ động thực hiện công tác lan tỏa thông tin tích cực của Internet đối với đời sống xã hội.
Bài 1: Nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý thông tin trên môi trường mạng
TPHCM là địa phương có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu của cả nước về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đây cũng là thành phố đứng đầu cả nước về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 thành phố có tốc độ phát triển người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của người dân thành phố trong hội nhập cùng thế giới số. Tuy nhiên, khi số lượng người dùng mạng xã hội tăng cao, đồng nghĩa nguy cơ xuất hiện hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm pháp luật càng nhiều, đặc biệt là nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn môi trường mạng và thông tin xấu độc, chống phá chính quyền. Đây là những vấn đề, thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố trong việc tìm giải pháp ngăn chặn tin xấu, độc, xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Điểm qua vài số liệu
Với vị trí và vai trò quan trọng của cả nước như trên, TPHCM là địa bàn “nóng” trong hoạt động quản lý và cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội cho tổ chức, doanh nghiệp tại TPHCM. Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, tính đến tháng 12 năm 2021, tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp giấy phép hoạt động là 986 trang. Trong đó, có 640 trang đang hoạt động và 346 trang ngừng hoạt động. Trong năm 2021, TPHCM đã thực hiện cấp phép mới cho 67 trang thông tin điện tử tổng hợp đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật và cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép cho 31 trang tin điện tử tổng hợp. Đến tháng 12 năm 2021, thành phố đã tiếp nhận mới 45 giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM, nâng tổng số trang mạng xã hội trên địa bàn thành phố đến nay là 450 giấy phép.
Đối với các các trang tin điện tử, mạng xã hội có hệ thống máy chủ tại nước ngoài như Facebook, Youtube, Blogspot, đây thực sự là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố. Hiện nay có khoảng 15 doanh nghiệp nước ngoài là nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Linkedin, Twitter, Instagram, Youtube, Facebook Mesenger, Tik Tok, Skype, Printerest, Viber... (gọi tắt là mạng xã hội nước ngoài), trong đó Facebook, Youtube, Facebook Mesenger, Tik Tok và Instagram là mạng xã hội được người dùng thành phố đăng ký sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện chỉ có Youtube là mạng xã hội có đại diện pháp lý tại Việt Nam, các đơn vị khác đều chưa thực hiện thủ tục đăng ký văn phòng đại diện. Đến nay, các mạng xã hội này chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam. Một số quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới còn nhiều hạn chế. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định và bức xúc trong xã hội, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. Ảnh: tingia.gov.vn. Những số liệu đó cho thấy tính chất phức tạp của việc quản lý đối với thông tin trên môi trường mạng của TPHCM. Những mặt trái của thông tin trên môi trường mạng xuất hiện với mức độ lớn, phạm vi rộng và tính chất ngày càng nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức, phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật... gây hoang mang trong xã hội; tình trạng báo hóa các trang mạng xã hội; các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên mạng, tấn công mạng, phát tán mã độc... có chiều hướng gia tăng; việc báo hóa các trang tạp chí điện tử và hoạt động liên kết sản xuất tin, bài viết giữa cơ quan báo chí có tạp chí với doanh nghiệp quản lý, vận hành trang thông tin điện tử tổng hợp để đăng tải các bài viết này lên trang thông tin điện tử tổng hợp (dấu hiệu rửa nguồn tin, bài viết) bằng hình thức hợp đồng khai thác thông tin đang diễn ra khá phổ biến và ngày phức tạp gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng internet.
Những khó khăn trong công tác quản lý
Có thể thấy rằng, thời gian qua, hoạt động của các trang mạng xã hội Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đang dần thể hiện được vai trò định hướng dư luận, cầu nối và là sân chơi mới cho người dùng ở TPHCM đăng tải, chia sẻ thông tin về đời sống, các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, thể thao, du lịch, giáo dục, thời trang, ẩm thực, an ninh, quốc phòng, tạo nên lượng thông tin phong phú, đa dạng trên không gian mạng giúp người dùng có nhiều nguồn tin kiểm chứng và đánh giá về sản phẩm, dịch vụ từ cộng đồng mạng chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp và trang mạng xã hội cũng đang lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tự sản xuất tin bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân câu like, câu view... gây bức xúc cho dư luận xã hội và người dân. Tình trạng “báo hóa trang mạng xã hội" với hành vi tự sản xuất tin, bài viết như cơ quan báo, tạp chí chuyên ngành diễn ra ngày càng phổ biến dưới hình thức tạo nhiều tài khoản mang tên của người dùng để viết bài; nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ tổng hợp những “tin hot, tin giật gân", thậm chí còn thay đổi nội dung bài viết, đặt lại tít bài gây bức xúc trong xã hội, nhiều doanh nghiệp thay đổi thông tin liên hệ (địa chỉ công ty, số điện thoại, email, người quản lý...) nhưng không thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được biết dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và hậu kiểm. Vụ việc của công ty FBNC như đã dẫn chỉ là một điển hình trong rất nhiều vụ việc mà cơ quan chức năng của thành phố đã và đang xử lý nhằm ngăn chặn tối đa các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên ở thành phố.
Công an TPHCM thực hiện lệnh bắt bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Báo Người lao động Đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, việc vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên mạng của các tài khoản mạng xã hội này ngày càng phức tạp hơn, các đối tượng xấu đã lợi dụng tính năng của mạng xã hội như: phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó phổ biến là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, nguy hại hơn nữa là trực tiếp chống phá nhà nước, làm tổn hại đến an ninh quốc gia. Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác. Việc Công an TPHCM ra Quyết định Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự là một minh chứng cụ thể về sự quyết liệt xử lý của các cơ quan chức năng của thành phố.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự thay đổi thường xuyên của công nghệ cũng đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức quản lý của cơ quan nhà nước. Trong đó, đội ngũ công chức, viên chức thực thi công vụ có liên quan đến công nghệ thông tin cần phải thường xuyên, liên tục được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề và kĩ năng để đáp ứng yêu cầu của công việc. Số lượng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp nội dung số và nội dung thông tin nói chung và cung cấp dịch vụ có liên quan đến mạng xã hội và thông tin trên trang thông tin điện tử ngày càng tăng (trung bình mỗi năm Việt Nam đưa vào sử dụng hơn 10.000 nên miền, riêng TPHCM chiếm hơn 50%) nhưng biên chế nhân sự phụ trách cho lĩnh vực này thời gian qua chưa được bổ sung dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự và quá tải về công việc.