Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 16/9, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 2. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận sâu 3 chủ đề. Đó là “Nâng cao chất lượng quản trị công; hoàn thiện chính quyền đô thị: thể chế hành chính; tổ chức bộ máy và nhân lực”; “Chính sách phát triển khoa học - công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng: kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn - kinh tế số gắn với đổi mới sáng tạo”; “Chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên; kinh nghiệm thế giới và huy động tín dụng quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng”. Cùng với đó, các đại biểu cũng đã thảo luận một số nội dung khác.
Gắn với mục tiêu hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị
Liên quan đến chủ đề “Chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên; kinh nghiệm thế giới và huy động tín dụng quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng”, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nêu ba vấn đề cần quan tâm thực hiện hiệu quả. Đó là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; huy động vốn theo cơ chế PPP; huy động tín dụng quốc tế gắn với chuyển đổi xanh.
Trình bày chủ đề “Chính sách phát triển khoa học - công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng: kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn - kinh tế số gắn với đổi mới sáng tạo”, GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nhấn mạnh, để hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển bền vững cần những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá thu hút được nhân lực làm nghiên cứu khoa học, trước hết trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có nguồn ngân sách lớn hơn thực hiện nội dung này.
GS.TS Lê Minh Phương cho rằng, cần xây dựng cơ chế để hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, trong lĩnh vực ưu tiên của TP. Có quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đặc biệt các tập đoàn công nghiệp lớn tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Trao đổi về chủ đề “Nâng cao chất lượng quản trị công; hoàn thiện chính quyền đô thị: thể thức hành chính; tổ chức bộ mày và nhân lực”, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nhấn mạnh đến việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về mặt thể chế, cơ chế, chính sách phải gắn với mục tiêu hoàn hiện mô hình chính quyền đô thị. Mô hình như vậy để nâng hiệu quả nguồn lực quản lý Nhà nước địa bàn, phù hợp với địa điểm, tính chất của đô thị, điều kiện vận hành, cơ chế thị trường, xu hướng hội nhập quốc tế. Cùng với đó là phát huy được tính năng động, sáng tạo của người dân, nâng cao được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương. Xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, đội ngũ công chức mẫn cán, hình thành bộ máy mang tính chất phục vụ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
“Từ thực tiễn đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị TPHCM có thể giúp cho Trung ương xác lập căn cứ thực tiễn để hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị ở các đô thị khác, nhất là đô thị loại đặc biệt và mô hình TP trực thuộc TP trực thuộc trung ương.” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp. Củng cố niềm tin, tạo thêm nguồn lực
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn các ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị, TP cần sự góp sức, hỗ trợ từ đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời nhấn mạnh, đội ngũ chuyên gia chính là một trong những chỗ dựa để TPHCM thực hiện thành công Nghị quyết số 98/2023/QH15. Từ các ý kiến tại phiên họp càng củng cố niềm tin, có thêm nguồn lực để góp phần quan trọng vào quá trình chuyển tải Nghị quyết số 98/2023/QH15 vào cuộc sống.
Trao đổi một số điểm nổi bật, ý nghĩa của Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với TP, đồng chí nhấn mạnh đến tinh thần quyết tâm của TP trong thực hiện Nghị quyết này. Đồng chí mong muốn phương thức tổ chức, hoạt động của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 gắn kết hơn nữa với các hoạt động của TP. Từ đó, mọi người cùng chung tay chăm lo cho đất nước, TP ngày càng phát triển.
Tiếp thu ý kiến các tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, nội dung của phiên họp đã đưa ra những vấn đề có thể thực hiện ngay và có vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để triển khai thực hiện từ đó tạo nền tảng kiến tạo phát triển. Trao đổi một số thông tin và định hướng hoạt động của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP đã thành lập các tổ công tác để nghiên cứu các vấn đề cơ bản; đồng thời mong muốn các thành viên Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 và giới thiệu các tổ chức, cơ quan cùng tham gia. Với thông tin, tài liệu, TP đã có nhiều nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 như: cơ chính sách cho khoa học - công nghệ, cơ chế hoạt động TP Thủ Đức...
Trao đổi một số kết quả Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” vừa diễn ra, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ hoàn thiện các nội dung từ các ý kiến được nêu lên tại diễn đàn và sẽ nêu một số nội dung để xin ý kiến, mong Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 tiếp tục góp ý cho TP.