Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

TPHCM cần đề ra tầm nhìn xa hơn, định vị ở khu vực

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/6, tại Hà Nội, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các ban Đảng, bộ - ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện Thường trực UBND Thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Văn phòng Thành ủy. Tham dự hội nghị có đại diện 27 Ban Đảng, bộ ngành Trung ương.

TPHCM phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế và văn hóa

Phát biểu góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo các bộ ngành TƯ đều bày tỏ ấn tượng với những thành quả mà TPHCM đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, đánh giá cao Dự thảo đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, khái quát được kết quả đạt được, rút ra được 5 bài học rất xác đáng không chỉ với TPHCM mà với các địa phương khác. Báo cáo đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, trong đó có các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam phát biểu tại hội nghị

Góp ý cụ thể, đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an mong TPHCM phát huy được thế mạnh của mình về vị trí, địa thế chính trị, yếu tố con người, đó là điều mà các địa phương khác rất mơ ước. TPHCM là nơi tập trung nhiều người giỏi, do đó cần tận dụng, phát huy được thế mạnh này. TP cần giữ được môi trường ổn định về chính trị để bảo đảm môi trường cho các nhà đầu tư đến làm ăn, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. “Mục tiêu, khát vọng của TP rất lớn. Chỉ mong TP ngoài việc trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại ổn định, còn là một trung tâm về văn hóa. TP phải có những công trình văn hóa lớn để lại giá trị cho con cháu các đời sau. Khi bàn để xây dựng các công trình văn hóa lớn hay vấp phải ý kiến của dư luận, nhưng mong trong nhiệm kỳ mới, TP sẽ có một số công trình văn hóa lớn ghi lại dấu ấn của TP”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh, TP cần có những thiết chế văn hóa lớn để xứng tầm vai trò đầu tàu của cả nước. TPHCM cần phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế và văn hóa, trong đó có phát triển con người. Đây nên là đột phá quan trọng của TP trong nhiệm kỳ mới. “Báo cáo cần cụ thể hóa được thành những chương trình hành động về xây dựng con người văn hóa mới”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nêu. Cũng theo ông Lê Quang Tùng, rất cần xây dựng văn hóa con người TPHCM có lối sống văn minh, năng động, phù hợp với một TPHCM năng động, sáng tạo để cả nước học theo. Bên cạnh đó, TPHCM có lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, mọi hoạt động văn hóa sôi động nhất đều diễn ra ở TPHCM. Trong những năm tới, công nghiệp văn hóa sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các dịch vụ phát triển. TPHCM đang có thế mạnh về nguồn lực, con người để phát triển lĩnh vực này, do đó TP nên phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, tạo tiền đề cho các địa phương lân cận, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ phát triển theo. TPHCM cũng đang có những lợi thế để quảng bá, phát triển các thương hiệu đặc sắc của TP, ví dụ như TP sáng tạo về âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực.

TPHCM định vị được mình

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, cần xác định rõ TPHCM là một trung tâm có tầm khu vực và toàn cầu, muốn thế phải xác định tâm thế, đặt mục tiêu TPHCM là trụ cột của ổn định, phát triển và liên kết khu vực, toàn cầu. Cần đặt nhiệm vụ đối ngoại ở tầm cao hơn, năng động, hiện đại sáng tạo vì người dân và doanh nghiệp.

Phó Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, TPHCM cần định vị được mình so với chính mình trong giai đoạn trước, với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, cả nước và so với quốc tế. TPHCM cần đề ra tầm nhìn xa hơn, định vị ở khu vực. Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Lê Khánh Toàn góp ý TPHCM cần hướng tới là một trung tâm phát triển hiện đại của khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng cả nước. Đó cũng là kỳ vọng của cả nước đối với TPHCM.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, giao thông đang là điểm nghẽn đối với phát triển TPHCM nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. TPHCM hiện mới chỉ có 2 tuyến cao tốc. TPHCM cần chủ động lập kế hoạch xây dựng các tuyến đường kết nối vùng kèm cơ chế bổ sung nguồn vốn để có thể triển khai dự án sớm.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đột phá lớn nhất vẫn phải là vấn đề thể chế. Nếu không có quy định về phát triển vùng thì TPHCM và khu vực phía Nam rất khó phát triển mạnh. Về vấn đề phân bổ nguồn lực, hiện TPHCM ngân sách được giữ lại 18% trong khi Hà Nội gấp đôi là 35%. “Điều này sẽ không tạo động lực cho phát triển. TPHCM đóng góp ngân sách lớn, xã hội hóa lớn nhưng được chi ít. TPHCM cần kiến nghị để trở lại cơ chế trước đây”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu.

TPHCM là nơi phù hợp để trở thành trung tâm tài chính quốc gia

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn những góp ý tâm huyết, sâu sắc của lãnh đạo các bộ ngành. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, các ý kiển nổi lên vấn đề đầu tiên là TPHCM cần định vị TPHCM so với giai đoạn trước đây, so với vùng trong cả nước, với khu vực và thế giới. Phải có tâm thế như vậy mới có chiến lược, tầm nhìn phát triển của TPHCM. Do đó, TPHCM sẽ tiếp thu, rà soát và thể hiện trong báo cáo.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

Thứ hai, con đường phát triển của TP phải là KHCN và sáng tạo, phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0; chỉ có như vậy TP mới phát triển bền vững, đột phá; tăng năng suất lao động (NSLĐ). Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, hiện nay NSLĐ của TP gấp 2,2 lần bình quân cả nước, nhưng NSLĐ ở khu công nghệ cao gấp 30 lần NSLĐ bình quân cả nước, cho thấy nếu ứng dụng KHCN thì năng suất rất cao. Khi đã xác định con đường phát triển đó thì TPHCM sẽ xác định được vấn đề quy hoạch và nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực đất đai. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đất đai lại chiếm tới hơn 50%. Vừa qua, TPHCM đã xin ý kiến Chính phủ để điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất nhằm sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê

Tiếp thu về việc TPHCM phải có những thiết chế văn hóa xứng tầm, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, tới đây sẽ xây dựng Nhà hát Giao hưởng TPHCM, Nhà hát ca múa nhạc, Rạp xiếc. Bên cạnh đó, sẽ có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành trung tâm công nghiệp văn hóa. Các ý kiến đề nghị TPHCM phải có chương trình phát triển các ngành chủ lực, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã có chương trình phát triển 4 ngành chủ lực, danh mục các sản phẩm chủ lực. Với 420.000 doanh nghiệp, TPHCM cũng đã có chương trình phát triển doanh nghiệp; có Hội đồng ngành để gắn kết với doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, khích lệ khởi nghiệp. TPHCM cũng sẽ thành lập Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo nhằm giúp đưa các đề tài nghiên cứu đi vào ứng dụng. “TPHCM là nơi phù hợp để trở thành trung tâm tài chính quốc gia, TP sẽ kiến nghị để đưa vào chiến lược phát triển quốc gia trong nhiệm kỳ tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo