Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của TP

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 18/8, tại TPHCM, Báo Nhân Dân đã tổ chức Hội thảo ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn. Đến dự có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết,  những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, giải quyết sự quá tải về hạ tầng giao thông, TPHCM đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều công trình vượt sông Sài Gòn. Trong đó, năm 2008 khánh thành cầu Thủ Thiêm 1; năm 2009 khánh thành cầu Phú Mỹ; 2011 thông xe hầm Thủ Thiêm, năm 2022 khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son).

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư..., góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của Thành phố, nhất là khu vực phía Đông và phía Nam. Đồng thời, mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn. Hiện nay, phương án thiết kế của cầu Thủ Thiêm 4 đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45m) thì cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TPHCM.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của TP. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TPHCM cho rằng, cần phải xác định định hướng phát triển của TP đối với khu vực ven sông Sài Gòn từ Quận 4 đến Quận 7 trước, từ đó bàn đến chuyện xây dựng cầu phù hợp với quy hoạch của TP.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, cần định hình chân dung TP như thế nào, sau đó nghĩ tới các yếu tố tạo lên những chân dung đó. Chúng ta nên hình dung TPHCM như một TP hội nhập, gắn với sông nước, với các công trình kiến trúc bên sông và ven sông. Trong phương án thiết kế xây cầu cần phải chứng minh tính hiệu quả một cách cụ thể và rõ ràng.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo. Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các địa phương đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh, thành được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp. Với việc TPHCM  đang làm lại quy hoạch, Thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí… Cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao, TP phải tính toán cẩn trọng. “Tôi mong muốn thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch TPHCM gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai”. - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản, thiết kế

Một số ý kiến cho rằng cần lưu ý giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Thiết kế tĩnh không cầu phù hợp sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại, sẽ làm đánh mất đi tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch tại khu vực này.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo. Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo.

Liên quan đến phát triển du lịch đường sông tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu chia sẻ, lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch TP. TP có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu, điều kiện cần và đủ để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy là cơ sở hạ tầng phải có các bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Có cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ,… phục vụ khách du lịch. Sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan đến phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy (đảm bảo môi trường nước, đảm bảo độ tĩnh không của các cầu)....

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm,  chia sẻ, TP hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị ven sông. TP đặt ra mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn của sông Sài Gòn. Riêng đối với dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, quy hoạch của cây cầu này đã có từ lâu. Do đó, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông vận tải đã rất thận trọng và thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến liên quan. Đồng thời nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản, thiết kế khác nhau.

Đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, qua hội thảo, cơ quan chức năng cũng đã sáng tỏ nhiều vấn đề. Sở Giao thông vận tải, với trách nhiệm cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo UBND TP cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn. Từ đó, có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn, giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa xã hội.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo