Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 28/11, tại TPHCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm “Tín chỉ Carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”, nhằm hưởng ứng và góp phần thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn chia sẻ, thông qua tọa đàm, nhằm giúp mọi người tiếp cận thêm và tìm hiểu sâu hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thông tin, hoạt động chuyên môn của Bộ Tài nguyên Môi trường và các Bộ, Ban, ngành về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và đặc biệt là thông tin hoạt động về nghiên cứu, xây dựng các quy định và thị trường Tín chỉ carbon tại Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, tái khẳng định tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và thống nhất về tư duy, nhận thức đối với các vấn đề, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại chương trình, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trình bày 5 bài tham luận và 2 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề "Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ carbon - Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng". Thông qua tọa đàm các đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành đã cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình nghiên cứu, xây dựng quy định về tín chỉ carbon; đồng thời cũng là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, sáng kiến về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hiến kế xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Hoạt động còn mở ra tiền đề quan trọng trong việc kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước chung tay khôi phục và phủ xanh hàng nghìn cánh rừng tại Việt Nam.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, đồng chí Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hy vọng chương trình tọa đàm đã mang lại cho chúng ta những kiến thức, thông tin bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như những hiểu biết về tín chỉ Carbon. Những ý kiến trao đổi tham luận, thảo luận tại tọa đàm là kênh tư liệu quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ về những vấn đề liên quan. Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì, tổ chức thêm nhiều chương trình tọa đàm như trên để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thêm những diễn đàn để trao đổi chuyên sâu về vấn đề bảo vệ môi trường và Tín chỉ Carbon, để cùng nhau chia sẻ, kết nối và chung tay hành động vì một Việt Nam xanh.
Dịp này, Trung ương Đoàn đã ra mắt Bản đồ số “Vì một Việt Nam xanh”, cung cấp các thông tin về rừng Việt Nam, kết quả triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và đặc biệt là chương trình “Chung tay phủ xanh Việt Nam” đi vào vận hành sẽ góp phần thúc đẩy tổ chức các hoạt động trồng cây ý nghĩa từ các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Lễ tổng kết Chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” năm 2023. Trong 3 năm qua, Chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” đã trồng 191.000 cây xanh rừng đầu nguồn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận và Bình Định. Đây đều là các tỉnh thường xuyên gặp phải ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt như khô hạn, mưa bão, lũ lụt. Việc trồng rừng đầu nguồn tại đây được xem như là giải pháp lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu, là lá chắn khi mưa bão, đồng thời bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu hụt nguồn nước của người dân.
Bên cạnh trồng rừng, công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng là nội dung quan trọng. Đồng thời, các hoạt động bổ trợ được tổ chức song song góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và Nhân dân về vai trò của rừng, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chung tay hành động vì một Việt Nam xanh.