Thứ Ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024

Thực hiện nếp sống VMĐT:

Sẽ cụ thể, thiết thực hơn trong năm 2009

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (đứng) phát biểu chủ trì hội thảo.

(Website TU)- Ngày 3-11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo góp ý kiến thực hiện nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) trên địa bàn TPHCM. Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện nếp sống VMĐT Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội thảo.

Hội thảo là dịp để TP đánh giá lại thực trạng và ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, nhằm có thêm cơ sở khoa học trong việc xây dựng các giải pháp, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại.

Trách nhiệm và vai trò gương mẫu của chính quyền

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng nếp sống VMĐT không chỉ tùy thuộc vào cách sống và thái độ của người dân mà còn phụ thuộc vào trách nhiệm và vai trò gương mẫu của chính quyền. Đây là yếu tố quan trọng vì chính quyền có chức năng quản lý, điều hành, đồng thời có quyền đưa ra những chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội đô thị.

Hiện nay, một số chủ trương, chính sách TP đưa ra chưa dựa vào thực tiễn, như chủ trương “trả lại vỉa hè cho người đi bộ” vì hầu như người dân TP di chuyển hoàn toàn bằng xe máy, rất ít người đi bộ; phê phán việc lưu thông xe trên lề đường nhưng lại không giải quyết được lòng đường để xe lưu thông…

Một số cán bộ lãnh đạo thường nhận xét: “Ý thức của dân còn kém!”. Nếu nhìn từ hiện tượng thì đúng, nhưng nhìn từ nguyên nhân sâu xa thì sự kém ý thức của người dân là trách nhiệm phần lớn thuộc về chính quyền. Cụ thể như, vấn đề ách tắc giao thông, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng quá tải của hạ tầng kỹ thuật làm cho người dân không thực hiện được nếp sống văn minh. Nếu tất cả mọi người đều chấp hành đúng luật thì vẫn ách tắc, vì diện tích dành cho giao thông quá thấp so với số lượng phương tiện của đô thị lớn.

Đối với việc người dân xả rác, phóng uế bừa bãi là do thiếu thùng rác và nhà vệ sinh công cộng. Như vậy, nếp sống VMĐT phải có sự hài hòa giữa trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của chính quyền.

Đại biểu tham gia góp ý kiến tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP không đồng tình cách “làm đến đâu tính đến đó” như hiện nay mà đề nghị TP cần khảo sát thực tiễn, điều tra xã hội học nhằm đưa ra được dự báo thực trạng, làm căn cứ để lãnh đạo TP ban hành các quyết định, chỉ đạo sát sườn với đời sống người dân. Khi muốn ban hành chủ trương, chính sách thì nên thực hiện thí điểm trên một vài quận, sau đó mới nhân rộng, dùng hiện tượng lây lan để tuyên truyền, vận động sâu rộng trong dân. Khi tổ chức thực hiện phải đồng bộ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành; quy định rõ việc giáo dục, trách nhiệm, chế tài xử phạt của từng cơ quan, ban, ngành, cho từng người đứng đầu.

Hoàn thiện cơ sở vật chất, lực lượng xử phạt

Có một thực tế là hiện nay cơ sở vật chất như nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công cộng phục vụ cho nhu cầu của người dân vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Đến nay, toàn TP chỉ mới có 85 nhà vệ sinh công cộng, nhiều nơi thậm chí còn chưa có nhà vệ sinh công cộng nào như các quận 8, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú, Huyện Bình Chánh…

Ông Nguyễn Văn Quý, một người dân ngụ tại khu phố 1, phường 12 quận 3 được mời tham dự hội thảo bức xúc nói ngay: Muốn người dân không xả rác, tiểu tiện bừa bãi thì Nhà nước nên trang bị hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh công cộng phù hợp vì cũng không ai muốn làm cái “chuyện ấy” ngay trước bàn dân thiên hạ cả.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: tại sao việc xây dựng nhà vệ sinh lại quá khó khăn như vậy? Đại diện Công ty Dịch vụ Công ích TNXP cho biết, khó khăn lớn nhất là do công tác thỏa thuận địa điểm và bàn giao mặt bằng. Hầu hết các UBND quận, huyện chưa làm việc để thỏa thuận, thống nhất trong việc xác định vị trí xây dựng nhà vệ sinh công cộng trước với địa phương (nơi có nhu cầu) và các đơn vị (nơi có vị trí xây dựng), nên khi thi công thì gặp sự phản đối, gây trở ngại. Vấn đề đặt ra là TP nên quyết tâm chỉ đạo giao trách nhiệm cụ thể trong việc thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Vấn đề xử phạt vi phạm về VMĐT cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Có đại biểu đề nghị cần chuyên trách hóa lực lượng cảnh sát môi trường ở cấp quận vì hiện nay tuy có xây dựng nhưng mang tính kiêm nhiệm, do đó không thể phát huy và không mang tính chuyên nghiệp, làm hạn chế trong việc kiểm tra, xử phạt. Đồng thời, giao thêm quyền xử phạt cho lực lượng thanh tra xây dựng quận, phường, bảo đảm cho công tác này được duy trì thường xuyên.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sắp tới TP sẽ tăng cường lực lượng xử phạt lên cả về số lượng lẫn chất lượng, vì thực tế hiện nay lực lượng xử phạt về VMĐT còn quá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc thực hiện nếp sống VMĐT trong năm 2009 sẽ cụ thể hơn

Toàn cảnh Hội thảo góp ý kiến thực hiện nếp sống VMĐT trên địa bàn TP.

Thạc sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề nghị, chọn năm 2009 là “Năm tiếp tục hoàn thiện nếp sống văn minh đô thị” để tiếp tục phát huy các nề nếp mới được hình thành bước đầu, tập trung mạnh vào tổ chức lực lượng điều tiết lưu thông tại các nơi có “lô-cốt”, nhất là gắn biển báo từ xa để các loại phương tiện chủ động tránh ùn tắc tại chốt giao thông có “lô-cốt”; đồng thời xử phạt nghiêm khắc các chủ đầu tư triển khai kéo dài thời gian thi công, làm trễ hạn, khen thưởng những dự án đào đường có “lô-cốt” hoàn thành sớm hơn hạn định. Nên ưu tiên ngân sách cho các hạng mục về vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử để hai lĩnh vực này tiếp tục hoàn thiện và đạt kết quả cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, từ nay đến cuối năm 2008, TP tiếp tục vận động, tạo sự chuyển biến trên 03 nội dung trọng tâm, đó là, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường và ý thức giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng. Trong đó, trọng tâm là sắp xếp, chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè và vệ sinh môi trường đô thị. “Từ những kinh nghiệm thực hiện trong năm 2008, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong năm 2009” - đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, việc thực hiện VMĐT thời gian qua cũng là dịp để TP rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến trật tự giao thông, vệ sinh môi trường… Năm 2009, TPHCM sẽ có những kế hoạch cụ thể hơn, nhuần nhuyễn hơn trong biện pháp thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng nghiên cứu xây dựng tiêu chí của người dân đô thị để từng bước hướng tới thực hiện có hiệu quả nếp sống VMĐT.

Tuyên truyền, giáo dục phải dễ nhớ, dễ hiểu

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình, để tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện nếp sống VMĐT thì cốt lõi vẫn là tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển đổi cho được ý thức của người dân, thực sự mang tính tự giác, xem việc thực hiện này là trách nhiệm, mang lại lợi ích cho chính họ. Để làm được điều này, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục để thực chất hơn. Nhiều đại biểu tại hội thảo đề nghị TP phải đổi mới bằng các biện pháp, hình thức tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu. Điều quan trọng là phải làm sao truyền tải được các văn bản quy phạm pháp luật đến từng đối tượng cần phải được nghe, cụ thể như học sinh, sinh viên, người dân nhập cư, người dân địa bàn khu phố…. chứ hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến chỉ mới đến cán bộ công chức hoặc cán bộ khu phố, tổ dân phố. Bên cạnh đó, TP cũng phải đề ra lộ trình cụ thể về tuyên truyền, giáo dục để người dân biết, hiểu dần dần, sau đó mới đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính.

Th.L - C.Tú

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo