Thứ Ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024

Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Chính quyền phải đi trước một bước trong việc xây dựng giải pháp

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà và Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển đồng chủ trì buổi tọa đàm.

(Website TU) - Sáng 12-2, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức buổi tọa đàm “Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, với sự tham dự của hơn 40 đại biểu các sở, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các học giả, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà và Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển đồng chủ trì buổi tọa đàm. Sau một năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị (VMĐT), vấn đề đặt ra là cần có những bước đi, cách làm khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình đô thị của TPHCM…

Nhìn thẳng sự thật

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cho rằng, nên có cái nhìn thẳng sự thật, nếu không sẽ tự bằng lòng. Ông Lê Hiếu Đằng cho biết qua tiếp xúc người dân vẫn còn một tỷ lệ lớn người dân chưa hài lòng. “Cứ vuốt ve nhau sẽ không ra vấn đề. Sau 1 năm thực hiện NSVMĐT không đạt yêu cầu như mong muốn là do phát động còn cảm tính, chưa khoa học với một TP lớn, đa dạng, phức tạp, chưa nghiên cứu trình độ dân trí, ý thức, công ăn việc làm,… từ đó phát động chưa căn cơ, lúng túng trong biện pháp…” – ông Đằng nói. Ông Lê Hiếu Đằng “dẫn chứng”: Như vấn đề trật tự lòng lề đường hiện rất khó giải quyết như các tuyến đường Ngô Gia Tự (quận 10), đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1),... rất mất trật tự.

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị: Cần xác định quan điểm “luật pháp là trục để VMĐT xoay quanh nó”

Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Huỳnh Công Minh cho biết hiện tồn tại lớn nhất là sự hợp tác của gia đình và xã hội chưa đồng đều. Vì thực hiện nếp sống VMĐT không chỉ trong trường học mà cả ngoài nhà trường khi vẫn còn học sinh xả rác, nói năng chưa văn minh… vì vậy tác phong, sinh hoạt, lề lối làm việc, từ hiệu trưởng, cán bộ-giáo viên đến lao công, bảo vệ, và gia đình… phải làm gương cho học sinh.

Ông Trương Trọng Nghĩa, ĐB HĐND TP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP thì cho rằng cuộc vận động nếp sống VMĐT đã có chuyển biến. Tuy nhiên, sự chuyển biến còn chậm, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu của một trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Văn Phước cũng cho rằng tuyến đường nào cũng thấy lộn xộn. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Dương Hồng Thanh đồng tình: Đúng như ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu, đường phố còn nhếch nhác. Năm 2008, chúng tôi có tham gia đoàn đi kiểm tra và thấy rằng thực tiễn có những "lợi ích xung đột", cần phải làm hết sức cụ thể từng phường, từng quận.

Giải pháp nào hiệu quả?

Ông Dương Hồng Thanh đề xuất, việc sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán sở dĩ không làm được do có xung đột lợi ích. Vì vậy, nếu chỗ nào có lợi ích xung đột thì phải giải quyết cụ thể từng trường hợp, làm từng điểm để tránh giải pháp không khả thi. Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP Huỳnh Công Minh cho biết thực hiện nếp sống VMĐT ở học sinh, nhà trường, rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các bậc phụ huynh, gia đình các em.

Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Lê Hiếu Đằng: thực hiện nếp sống VMĐT hiện nay chưa chuyển biến mạnh là do chính quyền cơ sở, hệ thống chính trị không làm triệt để

Mang tâm trạng bức xúc, ông Lê Hiếu Đằng cho rằng thực hiện nếp sống VMĐT hiện nay chưa chuyển biến mạnh là do chính quyền cơ sở, hệ thống chính trị, mặt trận và các đoàn thể chưa làm triệt để, quyết liệt. Như trường ĐH Kinh tế sinh viên đã ngồi lại trên lề đường uống nước, xả rác. 6 hộ dân sống vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 nói nhiều nhưng không giải quyết được.

Ông Đằng đề nghị năm 2009, cần tập trung 2 vấn đề: Thứ nhất là trật tự đô thị. Bắt đầu từ lòng lề đường, tập trung từ những tuyến đường mẫu. Cần xác định đường mẫu là đường nào? (có tiêu chuẩn cụ thể). Vấn đề thứ hai là rác thải và nước thải. Ông Đằng đề nghị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút mọi tầng lớp dân cư tham gia. Phải phát động phong trào thanh niên, Đoàn thanh niên, thanh niên xung phong tham gia. Ví dụ, thanh niên tham gia nạo vét kênh mương, không cần phải đợi đến khi các dự án vệ sinh môi trường, thoát nước kết thúc mới làm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng, Chính quyền phải đi trước một bước. Trong nguyên nhân vì sao dân ta ý thức thấp? TS Nguyên khẳng định: không có dân nào muốn bị đánh giá ý thức thấp mà chính là chính quyền phải xây dựng cho người dân có ý thức. Thực hiện nếp sống VMĐT là phản ánh thực thi luật pháp của người dân. TS Nguyên hiến kế: Chính quyền TP nên trực tiếp trao đổi với nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, có định kỳ, với tư cách Chính quyền trình bày với nhân dân về các tiến độ, khó khăn, biện pháp giải quyết. Chính quyền làm gương cho người dân. Chứ cứ “chỉ đạo” là không ăn thua. Người dân sẽ thấy được lợi ích của mình và sẽ hỗ trợ, chia sẻ với chính quyền. Đây cũng là tác phong của người lãnh đạo hiện đại.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, vai trò của chính quyền là không chiều theo tập quán của dân nhất là những tập quán xấu. VMĐT phải phù hợp luật pháp và tập quán truyền thống phải có chế tài. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, với các “lô cốt” đang thi công nên có tuyên truyền cho người dân chấp nhận khó khăn cùng chính quyền. Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đinh Thị Bạch Mai cũng cho rằng công tác tuyên truyền đến tận người dân, có chiều sâu, phù hợp từng địa phương, từng nhóm đối tượng để trên cơ sở đó mọi người dân cùng thực hiện.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐH Quốc gia TPHCM: vai trò của chính quyền là không chiều theo tập quán của dân nhất là những tập quán xấu

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị cho rằng, xây dựng NSVM đô thị cần xác định là vấn đề của ai? Cần xác định quan điểm “luật pháp là trục để VMĐT xoay quanh nó”; cái gì để kéo lại với nhau đó là luật pháp. Mỗi người đều mang theo “hành trang” (là ý thức) khác nhau để thực hiện nếp sống VMĐT vì vậy phải tạo cho người dân hiểu xây dựng nếp sống VMĐT cho ai? Vì ai? Chính quyền cần cung cấp phương tiện đầy đủ để người dân thực hiện. Tiếp đến là vấn đề "văn hóa quản lý" và cách làm "đồng bộ". Năm 2009, bà Trân đề nghị TP chỉ tập trung vào 2 vấn đề: cải tạo môi trườnggiao thông; còn thực hiện văn hóa ứng xử chỉ tuyên truyền, vận động, chứ tạm chưa đặt mục tiêu trong năm 2009, vì đây là việc làm căn cơ, lâu dài.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương cho rằng giải pháp xử phạt là cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì việc xử phạt tạo ý thức trước. Bà Hương đề ra một số giải pháp: triển khai ngay các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến VMĐT tăng cường, triển khai quy định sử dụng vỉa hè. Tăng cường công tác vận động thuyết phục; gắn camera theo dõi hành vi xử phạt vì đây là chứng cứ đầu trong xử lý vi phạm. Đồng thời tăng cường trách nhiệm người cho thuê nhà để quản lý tốt với người tạm trú. Tăng cường trách nhiệm của phường-xã bởi tổ dân phố không có đủ thẩm quyền và xử phạt phải công bằng, nghiêm minh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định qua 1 năm thực hiện nếp sống VMĐT, ý thức của người dân TP nâng lên. Quan điểm của TP trong năm 2009 là nâng cao vai trò địa phương phải đi đầu. Cũng trong năm 2009, TP tiếp tục phát huy những mô hình hiệu quả, làm tập trung ở 11 tuyến đường điểm cấp TP và 63 tuyến đường điểm cấp quận huyện. Đồng thời TP sẽ trang bị cơ sở vật chất trên các tuyến đường để người dân dễ thực hiện VMĐT, cụ thể như: lắp đặt mới 4.000 thùng rác công cộng, xây dựng thêm 70 nhà vệ sinh công cộng tại các địa điểm đã quy hoạch, 100 nhà vệ sinh tại các cây xăng, điểm rửa xe trong 6 tháng đầu năm 2009.

Các đại biểu và lãnh đạo TP trao đổi tại giờ giải lao

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, trước mắt, TP sẽ làm mạnh ở 3 quận trung tâm (1, 3, 10), khi kết quả chuyển biến rõ rệt sẽ làm mạnh hơn ở các địa phương khác. Ngoài chuyện trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, xử phạt, thì việc lấy ý kiến các giải pháp của địa phương khi thực hiện VMĐT, nhất là những giải pháp có liên hệ mật thiết đến đời sống người dân (chuyển đổi phương tiện làm việc, quản lý hàng rong…) sẽ được chú trọng triển khai.

Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận: Kết quả chưa đạt như mong muốn vì giải pháp chưa đồng bộ, tương xứng. Trong năm 2009 cần kiên quyết thực hiện nếp sống VMĐT. Cần tập trung vào 3 nội dung đã đề ra, trong đó tập trung làm cho đường phố không rác, không mất trật tự. Đối với 100.000 cán bộ - công chức TP phải biết cười với dân, phải thể hiện tốt trách nhiệm với dân. TP có 1,5 triệu học sinh, sinh viên phải tuyên truyền để là đối tượng đi đầu trong thực hiện nếp sống VMĐT. Chủ tịch Phạm Phương Thảo cũng đề nghị: biện pháp phải triển khai đồng bộ, từ các ban đảng đến chính quyền, đoàn thể; nâng cao vai trò quản lý của nhà nước nhiều hơn nữa. Cần tuyên truyền để người dân không vô cảm với chương trình của TP. Chú ý tuyên truyền đi sâu vào từng đối tượng, rộng khắp đến mọi nơi, cố gắng đi vào chiều sâu…

X. Đ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo