Thứ Ba, ngày 8 tháng 7 năm 2025

Tìm giải pháp gỡ khó khăn cho các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ

Các đại biểu tham dự buổi khảo sát. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 29/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi khảo sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) về thực hiện cơ chế tự chủ và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022.

Theo Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh Trần Văn Khanh, Bệnh viện được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 và đã giúp tiết kiệm phần nào cho nguồn ngân sách TP. Ưu điểm tự chủ tài chính là giúp Bệnh viện chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Tuy nhiên, hạn chế tồn tại lâu nay là Bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí đầu tư; đồng thời, do giá thu hiện nay đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được tính đúng tính, tính đủ vào cơ cấu giá. Tình trạng này dẫn đến Bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, khó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao.

Theo Trưởng phòng Tài chính của Bệnh viện Lê Văn Thịnh Hoàng Thị Thanh Kiều, từ khi tự chủ tài chính, Bệnh viện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có việc Bệnh viện ký hợp đồng với cơ quan của BHYT theo đơn giá dịch vụ cung cấp, trong khi giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT và thanh tra lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Trong khi chờ đợi chủ trương, đề nghị ngân sách cấp bổ sung phần thiếu hụt. Bên cạnh đó, số tạm ứng cho đơn vị 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Vì vậy, cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra trong công tác khám chữa bệnh BHYT và xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều đơn vị ban đầu thu nhiều hơn nhưng dần dần cơ sở vật chất xuống cấp, hư hao trang thiết bị phải mua sắm đầu tư nên thâm hụt, dẫn đến các hoạt động gặp khó khăn. Vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp trên có cơ chế khai thác tốt nguồn xã hội hóa và không lạm dụng để tăng áp lực thu lên người bệnh.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, sau buổi khảo sát tại các bệnh viện, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ có tổng hợp để góp ý cho Luật Đấu thầu, Luật Khám chữa bệnh và dự kiến sẽ làm việc với Sở Y tế cùng các bệnh viện trong thời gian tới.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo