Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 14/9

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 9 cũng là phiên họp thứ 9 của năm 2024, xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với các đề nghị, dự án Luật (gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Trước khi vào phiên họp, Chính phủ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, lũ lụt tại nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc, dẫn đến nhiều thiệt hại rất lớn cả về tính mạng và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ "mỗi người làm việc bằng hai" để khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt nhằm khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất, nhất là tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển xã hội đã đề ra.

Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung một số luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính nhằm xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu phải đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục rườm rà, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan các cấp; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dễ dẫn tới sai phạm, khuyết điểm, mất cán bộ; rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án đầu tư công vào khai thác.

Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư. Sử dụng nguồn vốn ODA không dàn trải, tập trung cho một số dự án lớn, trọng điểm mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái…

Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, sáng 14-9 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, sáng 14-9

Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật. Đây là khối lượng công việc rất lớn do đòi hỏi của thực tiễn, trong khi phải dành thời gian, công sức cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, do đó Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng các dự án luật cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Thủ tướng cũng yêu cầu, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo