Chủ Nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024

Thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam phát triển

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 28/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7. Thảo luận về dự án luật, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và các ĐB đều bày tỏ kỳ vọng sau khi luật được thông qua sẽ thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam phát triển, đảm bảo cho tự cường, tự lực, tự chủ, chuẩn bị vũ khí trang thiết bị cho quốc phòng và an ninh.

Một số ĐB cho rằng, có nhiều nội dung của dự án Luật chưa phù hợp với pháp luật liên quan như miễn, giảm thuế, hỗ trợ ngân sách các quỹ của doanh nghiệp; vấn đề quỹ phát triển khoa học công nghệ, trích trước thuế, sau thuế… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những nội dung không phù hợp, có báo cáo cụ thể để ĐB Quốc hội tham khảo. Các ĐB cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể hơn về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng tại các nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp, tập trung vào những định hướng, chỉ đạo quan trọng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh... trở thành mũi nhọn chủ lực của công nghiệp quốc gia.

ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho ý kiến về vấn đề biển đảo, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp chiều 28/11 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp chiều 28/11

Cụ thể, cần nhấn mạnh quan điểm Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Cùng với đó là chủ trương lớn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển, bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB Quốc hội nêu đã khẳng định, để bảo đảm sản xuất trong công nghiệp động viên công nghiệp cần phải có các quy định về chính sách đối với động viên công nghiệp để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình. Do vậy, dự thảo luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng phạm vi quy định điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên; việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt khi đất nước có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu liên quan đến cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng an ninh, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương quân đội, nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, chính sách về cơ sở quốc phòng nòng cốt, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo