Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Thị trường carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/2, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức “Tọa đàm chính sách thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TPHCM”.

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc UEH cho biết, việc khai thác các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội hiệu quả sẽ giúp TPHCM tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 và sẽ chính thức vận hành từ năm 2028 theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, TPHCM là một TP năng động và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, TP đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, nhất là vấn đề ô nhiễm không khí. Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TPHCM. Cụ thể, thị trường carbon sẽ là công cụ hiệu quả giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Các ý kiến cho rằng, thị trường carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất. Thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế… thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới; giúp TPHCM nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu... Việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp TP tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn năng lượng dồi dào như mặt trời, gió và rác thải. 

Để thực hiện hiệu quả thị trường carbon, TPHCM cần xây dựng lộ trình và các nền tảng nghiên cứu rõ ràng. Trong đó, cần nghiên cứu đến gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp, ngành nghề, nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp có thể gây nên nhiễu loạn thị trường. Cùng với đó, TPHCM nên trang bị kiến thức và tăng cường nhận thức về thị trường carbon cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo