Chủ Nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2025

Thanh niên Xung phong - Trường học lớn của tuổi trẻ

Đại đội TNXP 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

(Thanhuytphcm.vn) - Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp (1946 - 1954), cùng với sự trưởng thành của quân đội ta, do yêu cầu bức thiết phục vụ chiến đấu cho các chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch Biên giới, tháng 6/1950, với tầm suy nghĩ chiến lược, Bác Hồ đã đưa ra chủ trương rất sáng suốt và quan trọng về thành lập các đội Thanh niên xung phong, đồng thời Người trực tiếp chỉ đạo việc thành lập các đội Thanh niên xung phong đầu tiên.

Ngày 15/7/1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương họp mở rộng và giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương để tham gia phục vụ chiến dịch Biên giới, được tổ chức thành 3 liên đội.

Bác chỉ rõ đây là “Trường học lớn” của Thanh niên xung phong, phải coi trọng cả học tập và rèn luyện để các đội viên thanh niên xung phong không ngừng tiến bộ và trưởng thành, là “Trường học lớn” để đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này, khi kháng chiến thành công.

Cuối tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Liên phân đội 312 của Lực lượng Thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Bác đã tặng các đội viên 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Ngay sau khi được thành lập, Thanh niên xung phong thời kỳ chống thực dân Pháp có nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến; sát cánh cùng lực lượng vũ trang, dân quân, du kích, ghi đậm dấu ấn ở các chiến trường, chiến dịch lớn như: Biên Giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu V, miền Đông Nam Bộ… mở đầu trang sử vẻ vang của Thanh niên xung phong Việt Nam.

Tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đã giúp cho các thế hệ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích và ý chí cách mạng. (Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam). Tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác đã giúp cho các thế hệ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích và ý chí cách mạng. (Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam).

Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung để phục vụ công tác đảm bảo giao thông vận tải và quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách, trách nhiệm các cấp, các ngành đối với Thanh niên xung phong.

Đồng thời, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng giao cho Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam.

Các phong trào: “Ba sẵn sàng” (1. Sẵn sàng chiến đấu, 2. Sẵn sàng nhập ngũ, 3. Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần); “Ba đảm đang”(1. Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu, 2. Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu, 3. Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết); “Năm xung phong” (1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, 2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh, 3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến, 4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính, 5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội)… đã góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của các thế hệ thanh niên ở nhiều địa danh như: đường Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, núi Nhồi, hang Tám Cô…

Sau năm 1975, cùng với nhân dân cả nước, hàng vạn Thanh niên xung phong lại lên đường xung kích đi đầu trong nhiều nhiệm vụ làm đường, bắt cầu, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, mang sức trẻ đến những vùng kinh tế mới… Thanh niên xung phong còn tham gia bảo vệ biên giới phía bắc, biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Campuchia.

Ngày 30/6/1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong các thế hệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 382-TTg, quyết định lấy ngày 15/7 hàng năm làm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đầu tư thiết bị sản xuất đường cát. (Nguồn ảnh: Lực lượng TNXP TPHCM). Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đầu tư thiết bị sản xuất đường cát. (Nguồn ảnh: Lực lượng TNXP TPHCM).

Thanh niên Xung phong thành phố Hồ Chí Minh - Xung kích, sáng tạo

Năm 1975, thực hiện chủ trương của Thành phố về việc khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TPHCM đã thành lập các đội thanh niên xung phong đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi ở các huyện ngoại thành Thành phố.

Ban Vận động khai hoang và Xây dựng Kinh tế mới Trung ương thành lập 2 đội thanh niên xung phong đi xây dựng các khu kinh tế mới ở Tây Ninh và Sông Bé.

Các đội thanh niên xung phong đầu tiên này là tiền thân, là cơ sở để hình thành 2 tổng đội thanh niên xung phong: Tổng đội Thanh niên xung phong Thành Đoàn và Tổng đội Thanh niên xung phong Xây dựng Kinh tế mới.

Ngày 28/3/1976, hơn một vạn thanh niên xung phong trong đội hình của 2 tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành Thành phố, những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới để làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ngày 6/9/1977, UBND TPHCM ra Quyết định thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM trên cơ sở sáp nhập 2 tổng đội thanh niên xung phong, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Thành ủy, UBND Thành phố giao.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như:

- Tham gia cùng bộ đội bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc và cùng với bộ đội hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia với các nhiệm vụ mở đường, làm đường, chống lầy, tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh…

- Thực hiện khai hoang phục hóa, xây dựng các vùng kinh tế mới, vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, thiếu thốn về vật chất, tinh thần để làm sống lại màu xanh trên những vùng đất hoang hóa, tạo nên những vùng sinh thái nông nghiệp xanh tươi bền vững.

Lực lượng TNXP Thành phố được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2 (trong thời kỳ đổi mới). (Nguồn ảnh: Lực lượng TNXP TPHCM). Lực lượng TNXP Thành phố được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2 (trong thời kỳ đổi mới). (Nguồn ảnh: Lực lượng TNXP TPHCM).

- Tổ chức rèn luyện, giáo dục, đào tạo thanh niên thành những “con người mới” có ích cho xã hội, biết sống cho xã hội, vì cộng đồng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Học viên tại các đơn vị do Thanh niên xung phong quản lý tham gia các hoạt động như xây dựng doanh trại, tham gia xây dựng đường giao thông, thủy điện, làm mương dẫn nước, trồng cà phê, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu của đơn vị. Học viên còn được học văn hóa, học nghề và giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập.

- Thành lập các tổng đội mới, hình thành và phát triển các đơn vị kinh tế trực thuộc, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp, đổi mới phương thức và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh… Các công trình trọng điểm như mở rộng đường Điện Biên Phủ, đường Hùng Vương, đường Lê Thánh Tôn nối dài, trạm thu phí xa lộ Hà Nội… Các đơn vị nổi bật như Công ty Cổ phần Cao su Thành phố, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong…

Lực lượng Thanh niên xung phong còn góp vốn thành lập các công ty cổ phần như: Công ty Cổ phần Cao su TPHCM thực hiện việc trồng và khai thác mủ cao su tại nước Lào; Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong với các hoạt động như chăn nuôi và cung cấp thịt gà, trứng gà… Đối với nhiệm vụ kinh tế của Lực lượng Thanh niên xung phong, bên cạnh việc góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế Thành phố, còn là để hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ xã hội bằng các hình thức như hỗ trợ, hợp tác đầu tư để tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai nghiện.

- Thực hiện các nhiệm vụ công ích như: giữ gìn trật tự giao thông; hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch; tổ chức thực hiện hoạt động giữ xe; đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng; tổ chức các trạm cung ứng nước ngọt tại huyện Cần Giờ; quản lý, vận hành tốt phà Bình Khánh và phà Cát Lái; quản lý, bảo vệ hơn 7.600 ha đất rừng và rừng phòng hộ Cần Giờ...

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố luôn thể hiện là một tổ chức kinh tế - xã hội đặc thù, xung kích thực hiện các nhiệm vụ do Thành phố giao, vừa là nơi rèn luyện, đào tạo con người. Kết quả hoạt động của Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố là thực tiễn sinh động, minh chứng cho tư tưởng của Bác về “Trường học lớn Thanh niên xung phong”, xứng đáng với lời khen tặng của đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới” .

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo