Thứ Hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 có hiệu quả, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh

* Thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt, chuẩn bị khá kỹ càng nhưng bão số 3 và hoàn lưu bão vẫn gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ. Đến nay, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, riêng ở lĩnh vực đường bộ, thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc, có 4.177 vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).

Hình ảnh bão lũ gây thiệt hại ở Yên Bái, Bắc Giang Hình ảnh bão lũ gây thiệt hại ở Yên Bái, Bắc Giang

Đề xuất một số giải pháp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Các chính sách hỗ trợ phải phát huy sự chủ động, nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương, tập trung vào những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương để giảm bớt thời gian trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ KH-ĐT đề xuất cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đề nghị tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, tạo "tác động kép" đến đời sống người dân, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Với nhóm giải pháp hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, Bộ KH-ĐT đề nghị thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ; tối thiểu 30 triệu cho di dời nhà ở. Bộ đề nghị nghiên cứu miễn, giảm học phí cho đối tượng học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.

Bộ KH-ĐT cũng đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét… Mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch; cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2024; tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đến hết tháng 12/2024.

Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với tổng số tiền đến nay là trên 1.000 tỷ đồng.

 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các mục tiêu sắp tới: không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Thủ tướng thị sát hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến gần 100 người thiệt mạng và mất tích Thủ tướng thị sát hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến gần 100 người thiệt mạng và mất tích

Thủ tướng cũng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, trong đó có việc rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường; nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.

Cùng với đó là nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, trong đó có việc rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.

Bộ KH-ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành góp ý để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết ngay trong ngày 16/9 về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo