Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tạo cơ chế đột phá khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/4, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM”. Đến dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương…

Hài hòa lợi ích các chủ thể có liên quan

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho biết, Hội thảo “Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM” được tổ chức với các mục tiêu xây dựng cơ sở lý luận chung về chuyển dịch đất đai trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Từ đó đề xuất các kiến nghị các nội dung về đất đai trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Cùng với đó là tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Trong đó các quy định về đất dành cho sự nghiệp công lập, trong đó có Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học.

Trên cơ sở phân tích các quy định Luật đất đai năm 2013 và dự thảo Luật đất đai đối chiếu với bối cảnh cụ thể ở TPHCM để đề xuất cơ chế mang tính đột phá cho TPHCM và các góp ý cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết, cơ chế đặc thù của TPHCM, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, hai nội dung chính của hội thảo “Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM” có mối quan hệ hữu cơ với nhau. “Chúng tôi tin tưởng rằng hội thảo sẽ có những ý tưởng mới, những đề xuất, kiến nghị mới góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho TPHCM, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực cho phát triển TPHCM nói riêng và cho đất nước chúng ta nói chung đạt được các mục tiêu đặt ra” - đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM đang cùng các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay Nghị quyết 54 về cơ chế đột phá phát triển TPHCM, trong đó vấn đề đất đai cũng được đề cập rất nhiều. "Nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng trong quản lý, phân bổ, khai thác sử dụng đất đại có hiệu quả thì đó là động lực rất lớn cho sự phát triển, không chỉ là phát triển mà đó là phát triển bền vững, tạo ra sự ổn định về mặt xã hội đóng góp cho sự phát triển về kinh tế" - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh. 

Toàn cảnh Hội thảo. Toàn cảnh Hội thảo.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, với nhận thức về vai trò của đất đai trong quá trình phát triển, đặc biệt là ổn định xã hội và phát triển bền vững, bảo đảm làm sao vừa quản lý, vừa khai thác trong đó hài hòa được lợi ích các chủ thể có liên quan đó là vấn đề lãnh đạo TP ý thức trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, công tác quản lý nói chung, quản lý đất đai, quản lý đô thị và sử dụng đất đai của TP trong thời gian vừa qua cũng có nhiều điểm sáng, cũng có nhiều bất cập. Đây là vấn đề TP thấy cần nhìn nhận lại để có kiến nghị về mặt cơ chế, khung pháp lý để có những chính sách và đặc biệt là có những giải pháp trong quản lý.

“TPHCM trong thời gian vừa qua đã có những nghiên cứu, đóng góp cho việc sửa đổi Luật đất đai trong thời gian sắp tới, cũng như có nghiên cứu và đưa ra đề xuất các cơ chế, chính sách trong nghị quyết thay Nghị quyết 54 để làm sao tạo ra những cơ chế đột phá khai thác nguồn lực này, nhưng đồng thời là bảo đảm quản lý sử dụng hợp lý hiệu quả nhất cho phát triển bền vững, lầu dài cho tương lai của TP" - đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung đóng góp cho quá trình hoàn thiện và triển khai chính sách về đất đai và cơ chế đặc thù cho TPHCM. PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, chuyển dịch đất đai vốn là một nhu cầu không thể thiếu ở tất cả các quốc gia, từ quốc gia phát triển đến cả quốc gia đang phát triển. Nhu cầu này hình thành trên cơ sở thực tiễn là đòi hỏi của xã hội về việc cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể sử dụng đất để đáp ứng tốt hơn với nhu cầu về sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Chuyển dịch đất đai một mặt cần phải đảm bảo và giữ gìn quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội lâu dài và bền vững, mặt khác phải cho phép dịch chuyển đất đai để đáp ứng với các nhu cầu của thực tiễn xã hội cấp thiết đặt ra.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo TS. Phạm Văn Võ, Trường Đại học Luật TPHCM, cơ chế dịch chuyển đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý và sử dụng đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Việc hoàn thiện cơ chế dịch chuyển đất đai có ý nghĩa mang tính quyết định đến hiệu quả sử dụng đất, đến dịch chuyển đất đai phù hợp nhu cầu xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. TS Phạm Văn Võ cũng có những góp ý cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trong đó đó đề xuất, bên cạnh sửa đổi quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người nhận chuyển nhượng cũng cần phải sửa đổi hàng loạt các quy định có liên quan như quy định buộc bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phải chuyển sang thuê đất...

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) không nên chia nhỏ quá nhiều các loại đất trong đất nông nghiệp, việc này sẽ giúp người sản xuất nông nghiệp thuận hơn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. 

Từ những đặc thù cũng như mức độ và tần suất triển khai các dự án TPHCM, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Trương Trọng Hiểu, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất một số chính sách đột phá liên quan. Trong đó, đề xuất cho phép đối với TPHCM, khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, HĐND được quyết định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (gọi là dự án bồi thường độc lập) cũng như mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án án độc lập này. HĐND TP cũng sẽ ban hành danh mục các dự án đầu tư công thực hiện tách dự án bồi thường độc lập. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án bồi thường độc lập mà HĐND TP đã quyết định.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo