Thứ Năm, ngày 8 tháng 6 năm 2023

Bài 1:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM chủ trì kỳ họp thứ 9 - Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. (Ảnh: UBKT Thành ủy)

(Thanhuytphcm.vn) - Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định chi bộ giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị. Chi bộ vừa là tế bào, hạt nhân lãnh đạo chính trị, vừa là đơn vị chiến đấu của đảng ở cơ sở. Tại chi bộ, nơi gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của mọi đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát chi bộ chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để đấu tranh, phòng ngừa những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới manh nha.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã nhấn mạnh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên không còn là nguy cơ mà là thực tiễn đáng lo ngại: “… làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”; “… Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng, đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ…”.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh”. Qua 5 năm thực hiện Đề án, công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ đã có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

 Từ kết quả kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã đánh giá và chỉ ra một số hành vi, vi phạm của cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong thời gian qua:

- Đối với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tập trung nhiều nhất là các hành vi không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; không tích cực học tập để nắm vững quan điểm, chủ trương, nghị quyết, quy định, dẫn đến nói và làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (tỷ lệ 32,5%); thiếu trách nhiệm không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao (tỷ lệ 34,6%); cố ý làm trái quy định pháp luật của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (tỷ lệ 10,1%); đưa thông tin các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, đơn vị lên mạng xã hội, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của đồng nghiệp; sử dụng trái phép thông tin, tài liệu, tài sản, phương tiện của cơ quan, tổ chức, đơn vị (tỷ lệ 2,2%).

- Đối với sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tập trung ở những vi phạm như: cán bộ, đảng viên có lối sống buông thả, xa hoa, thiếu gương mẫu (tỷ lệ 9,7%); gây mất đoàn kết nội bộ (tỷ lệ 4,2%); quan liêu, bè phái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, lãng phí (tỷ lệ 6,7%).

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải thăm, tặng quà hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Ảnh: Long Hồ) Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải thăm, tặng quà hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Ảnh: Long Hồ)

Nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự suy thoái: trước hết là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng; thiếu ý thức kỷ luật, không chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nói chưa đi đôi với làm hoặc làm qua loa, chiếu lệ, quên đi trách nhiệm đối với Đảng, đối với nhân dân. Đối với tổ chức đảng, chi bộ, là do việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định, nghị quyết, chỉ thị ở một số đơn vị chưa đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Có hiện tượng buông lỏng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng. Công tác quản lý, sử dụng cán bộ thiếu chặt chẽ, không kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu năng lực, uy tín giảm sút... trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra, giám sát tại chi bộ chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, thiếu quan tâm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sai phạm. Trong những nguyên nhân chủ quan, còn có nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị. Tại nhiều chi bộ, bí thư, cấp ủy chưa làm tốt vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức, chưa thể hiện sự bao quát, toàn diện trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng; đảng viên giữ nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị thực hiện chưa đúng, chưa đủ quy chế làm việc, thiếu tinh thần trách nhiệm; người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, độc đoán, gia trưởng, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước nhằm trục lợi cho bản thân, gây mất đoàn kết nội bộ.

Nguyên nhân khách quan là do: một số tổ chức đảng thiếu giáo dục bồi dưỡng tư tưởng, lập trường cho cán bộ, đảng viên trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội khi đất nước tiến hành cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Một số tổ chức giao cho một bộ phận cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nắm giữ nhiều tài sản, nguồn vốn lớn của Nhà nước, của tập thể, nhưng thiếu cơ chế kiểm soát có hiệu quả nên đã tạo điều kiện để chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, thực dụng phát triển. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu hoạt động diễn biến hòa bình, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây chia rẽ trong nội bộ đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát của chi bộ góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Qua thống kê về công tác giám sát của các chi bộ tại Đảng bộ thành phố từ năm 2016 đến năm 2021 cho thấy, hàng năm có từ 85-87% chi bộ đã thực hiện giám sát thường xuyên đối với đảng viên và từ 80-85% chi bộ đã thực hiện giám sát chuyên đề. Tỷ lệ này tăng cao so với thời gian trước khi ban hành Đề án số 01-ĐA/TU (chỉ đạt từ 70-80% chi bộ thực hiện giám sát thường xuyên và đạt từ 55-65% chi bộ thực hiện giám sát chuyên đề). Nội dung giám sát tập trung việc thực hiện nghị quyết chi bộ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; việc thực hiện nhiệm vụ chi bộ phân công và theo nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên... Qua giám sát, các chi bộ kịp thời định hướng cho đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật đảng và nhiệm vụ được giao, nhằm đạt được mục đích yêu cầu của chi bộ đã đề ra; góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn đảng viên vi phạm, suy thoái đạo đức, lối sống; góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của chi bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải tặng quà, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Ảnh: Long Hồ) Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải tặng quà, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Ảnh: Long Hồ)

Về kiểm tra chuyên đề, hàng năm có từ 70-75% chi bộ đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ; so với trước đây khi chưa ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, hàng năm có từ 40-55% chi bộ thực hiện nhiệm vụ này. Về nội dung, các chi bộ tập trung kiểm tra đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, pháp luật Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm; kiểm tra thẻ Đảng, chế độ sinh hoạt của đảng viên… Những nội dung này được các chi bộ cơ sở thực hiện kiểm tra chuyên đề khá nền nếp; đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở chủ yếu kiểm tra thường xuyên thông qua sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cấp tăng cường kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kết quả khảo sát, thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2020, các chi bộ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 27 đảng viên; đã kết luận có 19 đảng viên có vi phạm (70,37%), trong đó 17 đảng viên có vi phạm phải xử lý kỷ luật (89,47%); đã xử lý kỷ luật 17 đảng viên (100%). Nội dung vi phạm phổ biến chủ yếu về đạo đức, lối sống của đảng viên, vi phạm chế độ hôn nhân, đảng viên gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát và theo dõi, nắm tình hình đảng viên, các chi bộ đã đề nghị xóa tên đảng viên vi phạm tư cách 83 trường hợp; xử ký kỷ luật đảng viên vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là 890 trường hợp (khiển trách 703 trường hợp, cảnh cáo 187 trường hợp); trong đó, xử lý kỷ luật qua kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là 341 trường hợp (tỷ lệ 38,31%); xử lý kỷ luật qua giải quyết đơn thư tố cáo, kết luận có vi phạm phải xử lý kỷ luật là 127 trường hợp (tỷ lệ 14,27%); xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình là 422 trường hợp (tỷ lệ 47,41%).

Ngoài ra, các chi bộ đã đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật 1.362 đảng viên lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách và pháp luật Nhà nước để trục lợi; cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến thất thoát tiền của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực như: đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng; công tác tổ chức cán bộ…

Đồng chí Dương Ngọc Hải

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo