Chủ Nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024

Tăng cường các tiện ích phục vụ người dân và công tác của ngành y tế

Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tại buổi họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 5/9, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM tổ chức, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như đã thông tin một số kết quả của ngành y tế TP trong thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và công tác chuyển đổi số.

6 dự án đăng ký đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị

Thông tin một số kết quả về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như thông tin, ngành y tế TP đã triển khai Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của HĐND TPHCM về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao, văn hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đến nay, đã có 2 dự án (Xây dựng Khu khám điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Xây dựng Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đang được triển khai thực hiện trong năm 2024.

Đối với việc triển khai Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của HĐND TP về ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, hiện nay, đã có 4 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đăng ký 6 dự án để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND.

Về đề xuất phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế cho TPHCM, tháng 7/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/2024/NQ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM.

Trao đổi về nội dung thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngành y tế TP đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP theo Nghị quyết số 98 để vận dụng nhằm giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế cũng như tham mưu xây dựng môi trường chính sách thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo hình thành nên “vườn ươm sáng tạo” của ngành y tế TP.

Bên cạnh đó, TP cũng thực hiện phát triển y tế vùng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trong khu vực và giảm tải cho các bệnh viện của TP. Trong đó, năm 2023 – 2024, ngành y tế TP đã ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển với ngành y tế các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên với nhiều nội dung cụ thể, từ công tác phòng chống dịch bệnh, đến phát triển y tế cơ sở, tư vấn, hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa cho đến phát triển y tế chuyên sâu, quản lý nhà nước. Hiện nay, ngành y tế TP đang phối hợp ngành y tế các tỉnh, thành bạn xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng đối với các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao như: ung thư, đột quỵ, tim mạch, ngoại chấn thương, sản khoa, nhi khoa.

Nhiều ứng dụng tiện ích phục vụ người dân

Trao đổi một số thông tin liên quan đến công tác chuyển đổi số, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngành Y tế TP đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường các tiện ích phục vụ người dân và phục vụ công tác của ngành như: quản lý chuyên môn, cải cách hành chính, phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể là triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tăng tiện ích phục vụ người dân. Đến nay, Sở Y tế đã triển khai và đưa vào hoạt động các phần mềm, ứng dụng như: Cổng thông tin điện tử ngành Y tế, Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, ki-ốt khảo sát sự không hài lòng của người bệnh tại 53 bệnh viện công lập. Qua đó, giúp các cơ sở y tế nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, khẩn trương triển khai các giải pháp cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Đến nay, các bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng tiện ích phục vụ người dân như: Ki-ốt tự đăng ký khám bệnh; tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc; triển khai thẻ khám bệnh thông minh; triển khai Đặt lịch khám bệnh trực tuyến…

Riêng đối với thực hiện Đề án 06/CP, đã có 93 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chip; 88 đơn vị đã triển khai liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử; 68 cơ sở đã liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe.

Cùng với đó, ngành y tế TP đã ứng dụng công nghệ thông tin công tác quản lý chuyên môn, cải cách hành chính và quản lý ngành. Trong đó đã triển khai hoạt động hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến cuối cho 48 trạm y tế mô hình điểm nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế thông qua ứng dụng “khám chữa bệnh từ xa”.

Tại các bệnh viện, bước đầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại một số đơn vị như Bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci ; Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo AI RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh ; thử nghiệm “Hệ thống điều hành thông minh” tại Trung tâm cấp cứu 115 ; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đọc kết quả phim X-quang phổi tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo