Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở thẩm mỹ. (Ảnh minh họa) (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 22/8, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ. Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng tăng
Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Hồ Văn Hân, hiện TPHCM có 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành y tế, trong khi đó có gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...). Vì vậy, thách thức lớn của ngành y tế là các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động lấn sân sang khám, chữa bệnh.
Theo ông Hồ Văn Hân, các sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng tăng, có đến 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính. Thực trạng các cơ sở thẩm mỹ không phép cũng tăng, các cơ sở này núp bóng cơ sở có phép, người thực hiện phẫu thuật thì hành nghề chui, tay ngang, không có chứng chỉ hành nghề. Có nhiều cơ sở chui len lỏi trong khu dân cư, nhà dân để khám, chữa bệnh không phép. Khi bị kiểm tra xử lý, cơ sở lại đối phó bằng nhiều cách như thay tên đổi họ, chuyển qua địa bàn khác, hoặc gần đây là mở chuông báo cháy để dễ bề tẩu thoát...
Bên cạnh đó, còn có tình trạng các cơ sở quảng cáo quá mức, sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội gây khó trong quản lý. Có nơi mở khóa đào tạo vài ngày, một tuần cho người không chuyên môn, tạo ra những người tay ngang, làm tăng nguy cơ tai biến thẩm mỹ.
Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thẩm mỹ không an toàn là do các cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà cố tình không tuân thủ quy định. Cùng với đó, quy định pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ răn đe.
Trong khi vẫn còn tình trạng năng lực hành nghề của người thực hiện phẫu thuật chưa đáp ứng yêu cầu thì lại thiếu hệ thống quản lý, giám sát người hành nghề; quảng cáo trên mạng xã hội chưa thực sự được kiểm soát tốt. Ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội dẫn đến thông tin không được kiểm chứng, người dân bị dẫn dắt, bị trục lợi; tâm lý người dân muốn sử dụng dịch vụ đẹp - rẻ - nhanh, cam kết mạnh.
Không để các cơ sở tự do làm phẫu thuật thẩm mỹ
Để chấn chỉnh các dịch vụ làm đẹp sai, không phép, hạn chế tai biến thẩm mỹ, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiến nghị 6 giải pháp. Trong đó, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin về vi phạm cho cơ quan chức năng; Các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ; Phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý đào tạo, dạy nghề. Đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; phối hợp với Công an TP xử lý các vụ việc trọng điểm; Thông qua tổ công tác đặc biệt, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng, nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngành y tế TPHCM sẽ khẩn trương tiếp tục chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ chỉ định đến phẫu thuật thẩm mỹ, có phác đồ chuẩn trong từng phẫu thuật. Song song đó là đẩy mạnh và buộc tất cả các bệnh viện, phòng khám làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Sở Y tế sẽ xây dựng hồ sơ số hóa về thẩm mỹ giúp công tác quản lý, nhận định, không để các cơ sở tự do làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Một trong những biện pháp khác học tập 3 nhóm kinh nghiệm của các nước trên thế giới nhằm thực hiện tốt hơn các quy định hành nghề thẩm mỹ; nâng cao nhận thức của khách hàng và quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ.