Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9 (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội còn băn khoăn về việc còn nhiều nội dung góp ý đối với dự án luật chưa được Chính phủ làm rõ hoặc có những nội dung đã được giải trình nhưng chưa thuyết phục. Luật Bảo hiểm xã hội là một luật rất quan trọng, có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, có tính chất xương sống, cốt lõi và bảo đảm để bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Nhưng nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo luật chưa có căn cứ thuyết phục, cần phải tiếp tục đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể áp dụng, đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận, tính khả thi.
Tại báo cáo về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết trong ủy ban có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định. Việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.
Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ, mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, cải thiện tính công bằng… Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết. Từ đó khuyến khích người lao động có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, mặc dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, song do còn ý kiến khác nhau và để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này. Bên cạnh đó, cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động, dư luận xã hội hiểu rõ và đồng thuận…
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, dự thảo đã bổ sung các lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa của từng lĩnh vực theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đó là các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định này là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật. Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết, biện pháp “cắt” điện, nước đã từng được thảo luận và có ý kiến khác nhau khi xem xét Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi Quốc hội bấm nút thông qua luật thì quyết định không quy định vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nghiên cứu thêm.
Một số ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh, với vị trí là Thủ đô, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, đột phá và nên phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho thành phố quyết định. Ví dụ như tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, xây dựng ở Hà Nội cần cao hơn so với tỉnh, thành khác. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hoá đầy đủ, cụ thể các chủ trương để Thủ đô Hà Nội phát triển như mục tiêu đề ra trong nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị. Với tính chất là Thủ đô nên Hà Nội cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn so với thành phố khác. “Đề nghị rà soát, dứt khoát không luật hoá, hợp thức hoá chung cư mini trong luật này. Vụ cháy vừa rồi rất đau xót, nghiên trọng”- Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, nếu Thủ đô Hà Nội vẫn chỉ sử dụng cơ chế đặc thù như nơi khác thì “dưới tầm”, các cơ chế theo dự thảo luật chưa đủ mạnh, chưa phải riêng, đặc biệt cho Thủ đô, nên cần có đột phá hơn…