Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940. (Ảnh tư liệu) (Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Đảng ta và dân tộc ta, khởi nghĩa Bắc Sơn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là sự mở đầu của đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã hình thành và xây dựng được một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng là Đội du kích Bắc Sơn, làm cơ sở để thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của các đội Cứu quốc quân, những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam…
Ngày 22/6/1940, phát xít Nhật liền tìm cách nhảy vào chiếm thuộc địa Đông Dương của Pháp. Phát xít Nhật buộc chính quyền thuộc địa Đông Dương phải nhượng cho chúng nhiều quyền lợi. Để tạo áp lực, ngày 22/9/1940, phát xít Nhật tiến quân qua biên giới Việt - Trung, đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân theo đường biển đổ bộ lên Đồ Sơn (Hải Phòng). Chỉ sau vài trận đánh nhỏ, quân Pháp đã chạy dài; Toàn quyền Decoux vội đầu hàng và dâng Đông Dương cho phát xít Nhật. Khi quân Pháp rút chạy qua đường Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên, toàn bộ hệ thống chính quyền của địch tại đây đều hoang mang, tan rã: tri châu Thất Khê bỏ trốn, tri châu Na Sầm bị dân bắt, tên đại úy Pháp ở Bình Gia vứt cả súng đạn bỏ đồn mà chạy… Quần chúng đã thu nhặt được nhiều súng đạn của giặc. Trước diễn biến đó, sáng 27/9/1940, Đảng bộ Bắc Sơn đã đánh giá tình hình và quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thành lập ban chỉ huy khởi nghĩa.
8g tối 27/9, quân khởi nghĩa gồm hơn 600 người đủ các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Kinh… đã chia làm 3 mũi tiến công đồn Mỏ Nhai (châu lỵ Bắc Sơn). Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc, cho đốt sổ sách, giấy tờ của địch. Trong những ngày tiếp theo, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di.
Trước khí thế của quân khởi nghĩa, cả Pháp và Nhật đều hoảng hốt. Chúng liền thỏa hiệp với nhau để cùng nhau đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Sơ đồ mô tả diễn tiến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn Được tin về cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào. Giữa tháng 10/1940, ban chỉ huy khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ngày 13/10, cuộc họp ở rừng Tân Hương quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên. Ngày 28/10, quần chúng cách mạng tổ chức cuộc mít tinh ở Trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhai nhưng bị quân Pháp đánh úp. “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị thất bại. Nó chưa biết thành lập chính quyền, chưa biết nắm chắc thời cơ lúc đầu mà tiến công để mở rộng thanh thế của mình ra các vùng lân cận. Tuy nhiên, nó đã bóc trần dã tâm của bè lũ phát xít Pháp - Nhật và đã tạo ra lực lượng vũ trang đầu tiên do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân, làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai”[1].
Khởi nghĩa Bắc Sơn đã gợi mở ra đường hướng trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Đảng ta trong thời kỳ Thế chiến II đang diễn ra ác liệt. Từ ngày 6 đến 9/11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) đã quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng tiến tới thành lập căn cứ địa du kích, lấy vùng Bắc Sơn, Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trách nhiệm thực hiện nghị quyết này.
Rút kinh nghiệm từ khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung ương đã chỉ thị cho Xứ ủy Nam kỳ đình chỉ việc chuẩn bị hoạt động khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao trách nhiệm truyền đạt chủ trương này đến Xứ ủy Nam kỳ. Tuy nhiên, khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn thì khởi nghĩa Nam kỳ đã được phát động và không thể hoãn được nữa. Đúng như Trung ương đã nhận định, do thiếu nhiều điều kiện, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra không đồng bộ, không đủ sức đánh sập hệ thống chính quyền của thực dân Pháp và phát xít Nhật và sau đó bị dìm trong biển máu.
Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) Sau Hội nghị lần thứ 7, Trung ương đã cử đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, đang phụ trách lớp quân chính đầu tiên của Đảng ở Đức Thắng (Bắc Giang), lên cùng Đảng bộ địa phương xây dựng khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và củng cố lực lượng du kích Bắc Sơn. Trung ương còn cử thêm cán bộ ở xuôi lên giúp ban chỉ đạo khu căn cứ và bổ sung cho đội du kích. Tháng 1/1941, Trung ương tổ chức những lớp quân sự, chính trị ngắn ngày ở khu căn cứ để kịp thời nâng cao kiến thức quân sự, trình độ chính trị và ý thức kỷ luật cho quân du kích, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho các cơ sở khắp Bắc kỳ.
Đến ngày 14/2/1941, Bộ đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi, thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ cứu nước cho Bộ đội du kích Bắc Sơn. Toàn đội có 32 người, chia làm 3 tiểu đội cho hai đồng chí Lương Văn Tri và Chu Văn Tấn chỉ huy. “Cán bộ tiểu đội được chọn trong các đảng viên dũng cảm, tháo vát và khỏe mạnh nhất. Còn các đội viên đều là đảng viên hoặc quần chúng cách mạng hăng hái nhất đã từng chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, và một số là những cán bộ, đảng viên ở xuôi lên. (…) Đó là một đội ngũ vững vàng, kiên quyết, có chất lượng cao”[2].
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941) đã quyết định tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và bán vũ trang. Sau khi Tổng Bí thư Trường Chinh quán triệt tinh thần Hội nghị đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội du kích Bắc Sơn, đội quân này được mang tên mới: Cứu quốc quân, có thể coi là tổ chức quân sự chính quy đầu tiên. Ngày 15/9/1941, trung đội Cứu quốc quân thứ hai được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên, với 47 người, được chia làm 5 tiểu đội, do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy. Đến ngày 25/2/1944, trung đội Cứu quốc quân thứ 3 được thành lập ở Khuổi Kịch, châu Sơn Dương, Tuyên Quang. Từ đây, “một đội ngũ vững chắc mới lại hình thành”[3].
Như vậy, từ một cuộc khởi nghĩa có phần tự phát nhưng bám sát thực tiễn, dù nổ ra chưa đúng thời cơ và chưa được tổ chức thật tốt, nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần quan trọng vào việc hình thành Quân đội nhân dân Việt Nam, để lại những kinh nghiệm quý báu về tổ chức lực lượng vũ trang, về tổ chức khởi nghĩa cho cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, cuộc khởi nghĩa thực sự có ý nghĩa to lớn trong đường lối đấu tranh giành độc lập của Đảng ta trước Cách mạng tháng Tám.
Nguyễn Minh Hải
--------
[1] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 1 (1920 – 1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.491.
[2] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.77.
[3] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr.81.