Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người được chất vấn tại kỳ họp HĐND

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý dự án Luật tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 7/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HĐND. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND thể hiện bổ sung mới 26 điều và 5 khoản; sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản; bãi bỏ 2 khoản Luật 2015 hiện hành (có 5 chương với 91 điều).

Phát huy vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội và HĐND

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự án Luật đã sửa đổi và bổ sung hơn 70 điều, khoản của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015. Các quy định sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn hoạt động giám sát của cơ quan dân cử mà còn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng chí Ung Thị Xuân Hương góp ý dự án Luật tại hội thảo Đồng chí Ung Thị Xuân Hương góp ý dự án Luật tại hội thảo

Góp ý về lĩnh vực đối ngoại, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM đề nghị bổ sung “lĩnh vực đối ngoại” vào tiêu chí nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp QH và tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, vì đối ngoại là một vấn đề quan trọng cần được QH chất vấn tại Kỳ họp QH và phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trong các trường hợp thông qua các điều ước quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương, khu vực. Ngoài ra, đề nghị làm rõ, cụ thể hơn các tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và các vấn đề giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH.

Góp ý về Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội Luật gia TP Ung Thị Xuân Hương cho rằng, dự thảo quy định cho Tổng thư ký QH có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp, đôn đốc việc trả lời chất vấn bằng văn bản của người bị chất vấn; tổng hợp đề nghị, kiến nghị của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nội dung không đồng ý với trả lời của người bị chất vấn, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH. Theo đồng chí Ung Thị Xuân Hương, sẽ tạo ra một khối lượng công việc lớn cho cá nhân Tổng thư ký QH, đồng thời không phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Tổng Thư ký QH. Do đó, đồng chí Ung Thị Xuân Hương đề xuất nghiên cứu giao nhiệm vụ này cho các Ủy ban chuyên trách của QH trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng chí Phạm Phương Thảo góp ý dự án Luật tại hội thảo Đồng chí Phạm Phương Thảo góp ý dự án Luật tại hội thảo

Góp ý về Văn phòng QH, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị Văn phòng QH lập cơ sở dữ liệu để kết nối Quốc hội với HĐND cấp tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH lập cơ sở dữ liệu kết nối Đoàn ĐBQH với HĐND các cấp thuộc phạm vi hành chính của tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; tăng cường hoạt động tuyên truyền về các công tác của QH, nhất là công tác giám sát để nhân dân được biết, nhằm thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát về hoạt động giám sát của HĐND ở các cấp chính quyền để bảo đảm tính phù hợp, khả thi. Hiện nay, hoạt động giám sát của HĐND được quy định tại Luật Hoạt động giám sát (HĐGS) là giống nhau cả ở 3 cấp, tuy nhiên, điều kiện triển khai thực hiện hoạt động giám sát ở HĐND các cấp trên thực tế là khác nhau. Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã còn gặp nhiều khó khăn như: ở cấp huyện, không có điều kiện để thuê chuyên gia tham gia các hoạt động giám sát; ở cấp xã, do chỉ có 1 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nên rất khó khăn để tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình; Tổ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã gần như không tổ chức được hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền....

Đồng chí Cao Thanh Bình góp ý dự án Luật tại hội thảo Đồng chí Cao Thanh Bình góp ý dự án Luật tại hội thảo

Hoạt động giám sát cần bám sát tình hình thực tiễn

Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND, một số ý kiến cho rằng, cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND thời gian qua, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HĐGS là hết sức cần thiết.

Góp ý về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, các đại biểu cho rằng, cần cụ thể hơn việc đại biểu, tổ đại biểu giám sát kết quả giải quyết trả lời của các cơ quan tại các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Vì thực tế có không ít đại biểu và tổ đại biểu chưa quan tâm, dẫn đến những kiến nghị của cử tri cứ kéo dài và lặp lại tại các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Đồng thời, cần bổ sung việc đại biểu có quyền từ chối tiếp công dân nếu vụ việc đã được tiếp rồi, đã có kết quả giải quyết cụ thể và không có thêm tình tiết mới.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình cho rằng, hoạt động giám sát cần bám sát bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri. Hoạt động giám sát phải cung cấp thông tin trung thực, chính sát, thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo

Theo đại biểu Cao Thanh Bình, Quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, giám sát chuyên đề, vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình tại kỳ họp, phiên họp, hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát; Quy định về thẩm quyền giám sát của ĐBQH thông qua hoạt động kiến nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị được chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND; bổ sung quy định Thường trực HĐND có thẩm quyền điều chỉnh chương trình giám sát của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất trong trường hợp cần thiết; đồng thời, cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không kịp thời, không đầy đủ trách nhiệm của mình theo nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát;…

Theo đại biểu, thực tế hiện nay, sau khi có kết quả giải quyết mà công dân không đồng tình thì cứ liên tục đăng ký tiếp dân nhiều lần làm cho thời gian tiếp dân và vụ việc cứ kéo dài không có hồi kết. Nếu đại biểu xem xét vụ việc đã rõ thì chuyển tổ đại biểu nơi cử tri ở để thông báo, giải thích cho công dân.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo