Theo báo cáo về việc tổng hợp tình hình phân bổ, dự kiến điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày, đối với vốn trong nước, điều chỉnh giảm 7.313,553 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của 20 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Đối với vốn nước ngoài, điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của 3 bộ và 1 địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước như phương án trình nêu trên.
Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình phân bổ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị UBTVQH hai vấn đề.
Một là, thống nhất với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh dự toán và kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024, tổng số vốn là 8.446,866 tỷ đồng, bao gồm: điều chỉnh giảm 7.313,553 tỷ đồng vốn trong nước của 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương; điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng vốn nước ngoài của 4 bộ, địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp. Hai là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 phải đảm bảo điều kiện: dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng hấp thụ, giải ngân vốn; tổng mức vốn sau khi được bổ sung của các nhiệm vụ, dự án không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương đã được giao cho các nhiệm vụ, dự án.
Qua ý kiến thảo luận, UBTVQH thống nhất đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024. Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án được điều chỉnh tăng, giảm vốn đủ thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm việc điều chỉnh giảm dự toán vốn đầu tư công năm 2024 của các bộ, ngành, địa phương không làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đã được phân bổ vốn hoặc đã có dự kiến phân bổ vốn của cấp có thẩm quyền.
Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương cần rút kinh nghiệm để bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân của các nhiệm vụ, dự án, hạn chế việc phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao, đồng thời có giải pháp quyết liệt để phân bổ số vốn còn lại chưa phân bổ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí.
UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đáng lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, nhiều ý kiến đồng tình với phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo Luật. Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành công nghiệp công nghệ số.
Góp ý về dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, phải tạo lập được hành lang pháp lý cho mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số; ban soạn thảo cũng cần tiếp tục giải thích, chuẩn hóa các khái niệm mới như tài sản số, trí tuệ nhân tạo, tài sản mã hóa.
Với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chỉ rõ đây là nội dung mới, thể hiện mức độ cởi mở, hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xem xét, tham khảo các cơ chế đã được nghiên cứu như cơ chế thử nghiệm dành cho công nghệ tài chính và nền tảng số trong lĩnh vực tài chính do Ngân hàng Nhà nước thực hiện dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.
Đề nghị cân nhắc kỹ Điều 59 dự thảo Luật quy định về miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần bố trí các chính sách cho phù hợp và đồng bộ với các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và Bộ luật Hình sự…