Chưa nói phần kinh tế mà ngay phần liên quan chung đến chủ nghĩa Marx và nhất là đến chủ nghĩa duy vật lịch sử đã thấy tác giả trích dẫn và phân tích bị cắt xén, thấy cây mà không thấy rừng, không thấy điều cốt lõi, cố tình tìm mọi cách phủ nhận sạch trơn chủ nghĩa Marx!
Thứ nhất, trong thư gửi J.Weydemeyer ngày 5/3/1852[1], Marx đã khái quát lý luận về giai cấp của mình (điểm mới) rất ngắn gọn, khoa học và đầy đủ như sau:
“1. Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất.
2. Cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản.
3. Bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp và tiến tới một xã hội không giai cấp”[2].
Tác giả đã bỏ sót ý 1 là ý nền tảng dẫn đến 2 ý sau. Vì vậy tác giả nói rằng không biết lý do, chứng cứ gì mà Marx đưa ra suy luận ở 2 ý sau. Điều này chứng tỏ Leszek Koiakowsi “không biết” gì hay cố tình lờ đi tác phẩm lớn Tuyên ngôn của đảng cộng sản (năm 1848)! Nếu bỏ đi ý 1 thì khó mà giải thích được cơ sở khoa học của ý 2 và 3 cũng như nhiều nội dung liên quan.
- Phủ nhận nay xuyên tạc học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx - Lenin là sai lầm cả về mặt nhận thức khoa học và chính trị. Cần phân biệt giữa học thuyết và động cơ chính trị, thực tiễn chính trị.
Thứ hai, những điều cốt lõi, sáng tạo lớn, chủ yếu của chủ nghĩa Marx thì tác giả bỏ qua mà đi vào tiểu tiết. Đó là quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử xã hội, học thuyết về giá trị thặng dư, về vai trò sứ mệnh của giai cấp công nhân hiện đại. Đó là chưa nói quan niệm có tính nền tảng, là quan niệm về phép biện chứng duy vật, về nhận thức luận thực tiễn biện chứng...
Thứ ba, không phải mọi suy luận hay tiên đoán của các thiên tài đều tuyệt đúng 100%! Marx không phải nhà tiên tri. Marx là nhà khoa học có dự báo tương lai.
Nói Marx chỉ sống ở thời kỳ chưa có xe hơi, điện thoại... Thế nhưng tiên đoán, dự báo của Marx; chẳng hạn: đến một lúc nào đó khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, điều mà ngày nay đang diễn ra. Hay ông dự báo: đến lúc nào đó, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ hợp chung lại ở khoa học duy nhất: khoa học về con người, cũng là tiên đoán thiên tài đang hiện thực hóa. Và nhiều dự báo khác do điều kiện lịch sử hiện thời chưa diễn ra nhưng sẽ diễn ra. Có thể có dự báo cụ thể nào đó chưa đúng chăng? Thế mà tác giả Leszek Koiakowsi lại bảo “toàn bộ tiên đoán quan trọng của Marx là hoàn toàn không đúng”! Thật nực cười với một thái độ không khoa học!
Thứ tư, tác giả không hiểu hay cố tình không hiểu quy luật phát triển xã hội mà Marx đã phát hiện ra, nhất là quy luật “Quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất...”. Quy luật phát triển xã hội dù có tính khuynh hướng thì vẫn là quy luật thép tạo nên tín khách quan lịch sử tự nhiên... Thế mà tác giả Leszek Koiakowsi cho rằng Marx không phân biệt phân tích và tiên đoán là chứng tỏ tác giả rất mơ hồ, giỏi đánh lạc hướng!
Thứ năm, cho rằng Marx lẫn lộn hiện tại với tương lai như tương lai tồn tại trong hiện tại trong khi ta không biết tương lai là gì. Đó là xuyên tạc Marx, bóp méo Marx. Marx chỉ nói đại ý rằng khi phân tích hiện tại ta biết được sự vận động của quy luật khách quan và có thể biết được xu hướng trong tương lai vì cái hiện thực tồn tại trong nó những khả năng chính... Điều mà trong khoa học tự nhiên cũng vậy. Phân tích hiện tại chủ nghĩa tư bản ta biết số phận tương lai của nó.
Thứ sáu, không ai bảo chủ nghĩa Marx giải thích được mọi điều trong thế giới này như tác giả nói. Và dù không giải thích được tất cả nhưng về xu hướng phát triển của xã hội thì chủ nghĩa Marx vừa cho ta phương pháp luận để giải thích vừa trực tiếp giải thích nhưng hướng chủ yếu không chỉ trước kia mà cả ngày nay và sau này.
Thứ bảy, không phải chủ nghĩa Marx chỉ thành công thời kỳ đấu tranh dành chính quyền, hay chiến tranh cách mạng, hay chủ nghĩa Marx chỉ đúng là “khi cần những khẩu hiệu, như là khẩu hiệu để “biện minh và tôn vinh chủ nghĩa cộng sản cùng với vai trò nô lệ tất yếu đi kèm với nó”, như lời bóp méo của chính tác giả bài viết nói trên. Mà thật ra, chủ nghĩa Marx còn có vai trò to lớn trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chân chính, khoa học, nhân văn. Chỉ có những người không có thái độ khoa học, lòng không trong sáng và thiếu lương tri mới không hiểu điều đó ở ngay trong nền tảng của chủ nghĩa Marx.
Thứ tám, thiếu tâm sáng và thiếu thái độ khoa học. Trong thế kỷ XXI này, chúng ta phải phát triển hơn nữa chủ nghĩa Marx chứ không phải vứt bỏ hay phủ nhận chủ nghĩa Marx, tất nhiên cũng cần nhiều học thuyết đúng đắn khác nữa. Và chúng ta cần phê phán những kẻ phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Marx như kiểu Leszek Koiakowsi hay những kẻ tự nhận là “nhà triết học” hoặc đại loại như vậy, khi có tâm không sáng, phương pháp luận sai lầm, hay thù địch.
Mộ Marx tại London (Anh).Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải có cái tâm sáng mới hiểu được sự trong sáng của chủ nghĩa Marx - Lenin. Còn Engel, người bạn chí thân của Marx, thì nói rằng, học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động! Thậm chí Marx còn nói chủ nghĩa cộng sản không phải là một học thuyết mà chỉ là sản phẩm của sự vận động lịch sử hiện thực..., để nhấn mạnh tính khách quan lịch sử của nó.
Nhân đây, về học thuyết đấu tranh giai cấp, động lực của đấu tranh giai cấp của V.I. Lenin hiện nay nên hiểu như thế nào, xin thưa:
- Nói giai cấp và đấu tranh giai cấp chúng ta cần ghi nhớ: nó là sản phẩm của trình độ sản xuất và kinh tế nhất định. Tách rời điều này sẽ hiểu rất sai.
- Engels nói rằng động lực sâu xa nhất của phát triển xã hội là sản xuất và tái sản xuất xã hội. Đấu tranh giai cấp chỉ là một động lực và động lực trực tiếp (không phải là mạnh nhất hay duy nhất)... của xã hội có giai cấp...
- Trong thời kỳ cách mạng trước đây ở Liên Xô hay Trung Quốc và cả có lúc có ở Việt Nam là đấu tranh giai cấp bị cực đoan hóa, tả khuynh hóa, tách khỏi sự phát triển kinh tế và hoàn cảnh cụ thể nên không ít sai lầm, bị lợi dụng. Ngày nay, chúng ta hiểu và thực hành đúng hơn.
- Đấu tranh giai cấp trong thực tế rất đa dạng, có lúc, có nơi rõ có lúc có nơi mờ, có khi quyết liệt, căng thẳng, có khi mềm dịu như không có... và thể hiện qua nhiều hình thức, đừng tuyệt đối hóa và cứng nhắc!
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải nghe người ta nói đấu tranh giai cấp thì mình cũng nói. Lịch sử dân tộc ta đấu tranh dân tộc (giải phóng dân tộc) mạnh và nổi bật hơn, rõ hơn đấu tranh giai cấp.
- Học thuyết đấu tranh giai cấp trong tư tưởng kinh điển của chủ nghĩa Marx - Lenin vẫn có giá trị khoa học và lịch sử của nó. Vấn đề là vận dụng sao cho đúng cho có kết quả thực tế.
Chúng ta có quyền phản biện và phê phán chủ nghĩa Marx, như chính Engels hay Lenin đã làm. Nhưng không được võ đoán, thiếu cơ sở khoa học, không được rơi vào tâm lý đám đông hay tâm lý bực bội, bức xúc khi thất bại tạm thời, hay khi “ghét thì đào đất đổ đi”!
TS. Hồ Bá Thâm
---------------------
[1] Xin xem thêm tại địa chỉ: https://www.marxists.org/archive/marx/works/1852/letters/52_03_05-ab.htm
[2] Marx và Engels toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.40, 49, 662.