Hiện nay, tùy theo góc độ tiếp cận, có thể nhìn nhận đô thị thông minh ở những khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, có thể hiểu đô thị thông minh là đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo đảm phát triển bền vững. Đây là đô thị có sự hội tụ của hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Đô thị thông minh còn được chia thành 6 lĩnh vực chính: cuộc sống thông minh, quản trị thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh và giao thông thông minh. Ở đô thị này còn có sự tích hợp của đô thị kỹ thuật số và các công nghệ, thúc đẩy sự giao tiếp giữa các thiết bị, giữa con người và thiết bị, giữa con người và toàn xã hội đồng thời giúp việc quản lý đô thị chặt chẽ, hiệu quả và mang lại nhiều tiện ích cho mọi người…
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án nêu mục tiêu tổng quát: “Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”. Một trong những quan điểm chỉ đạo đáng chú ý của Đề án này là “lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh”, hoàn toàn phù hợp với quan điểm chung là lấy nhân dân là mục tiêu và động lực cách mạng của Đảng ta.
Thời gian qua, TPHCM đã tập trung xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội; phê duyệt Đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố; tổ chức triển khai thí điểm Đề án tại Quận 1 và Quận 12; ban hành hướng dẫn mô hình triển khai đô thị thông minh cho các sở, ban, ngành quận, huyện làm cơ sở để các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã dành hẳn một mục nói về “Xây dựng thành phố thông minh”, trong đó nêu rõ, triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh; đưa vào khai thác, vận hành có hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung; đầu tư hoàn thiện Trung tâm Điều hành thông minh và Trung tâm Dự báo thuộc Đề án. Thành phố sẽ sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để hiện đại hóa, giảm chi phí và tăng chất lượng, khả năng dự báo trong các lĩnh vực trọng yếu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào triển khai đô thị thông minh, đô thị sáng tạo; thí điểm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu vào thực tế sản xuất và xã hội. Hoàn thành và đưa vào khai thác trung tâm điều hành du lịch thông minh của các ngành...
Có một tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng đô thị thông minh là phải có con người thông minh, mà trước hết phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên thông minh. Xét ở nhiều khía cạnh, lực lượng cán bộ, đảng viên có thể coi là thành phần tinh hoa của xã hội, có vai trò dẫn dắt, nêu gương đối với nhiều nhóm dân cư khác. Do đó, không thể có đô thị thông minh nếu không có đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên thông minh và có đủ năng lực để quản lý việc xây dựng đô thị thông minh. Điều này đặt ra trách nhiệm lớn lao đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Các tiện ích của ứng dụng "Dịch vụ công trực tuyến Quận 7". Trước hết, về nhận thức, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rằng đô thị thông minh là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh TPHCM có nhiều tiền đề để thực hiện, chứ không phải cho rằng đó là việc ở đâu xa vời hoặc còn lâu mới tới. Từ đó, mỗi người cần tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, nghị quyết… để có kiến thức sâu rộng về vấn đề này, góp phần vào công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần nắm bắt các định hướng, chủ trương, kế hoạch cụ thể để xác định lộ trình, cách thức, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn…
Cán bộ, đảng viên còn cần phải có những kỹ năng tham gia cụ thể, trực tiếp vào các hoạt động của quá trình xây dựng đô thị thông minh. Chẳng hạn, một nội dung quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh là chuyển đổi số, là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa… của cơ quan, đơn vị. Tham gia trong hoạt động này, cán bộ, đảng viên phải phân biệt chuyển đổi số với số hóa, đồng thời phấn đấu sử dụng thành thạo internet, máy tính, các ứng dụng phổ biến, có thể thao tác trên các thiết bị di động (lưu trữ, soạn thảo, biên tập…) và thoát dần văn bản giấy…
Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên còn phải tham gia vào quá trình vận hành của các hoạt động liên quan đến yếu tố thông minh trong những lĩnh vực như giáo dục, y tế, thương mại, giải quyết hồ sơ hành chính, giao thông… Việc tham gia này không chỉ để hình thành một thói quen mới mà còn có thể đánh giá, góp ý, đề xuất những giải pháp mới phù hợp hơn. Chẳng hạn, hiện nay tại TPHCM, một số quận huyện mở ứng dụng “Quận… trực tuyến” để tiếp nhận thông tin phản ánh, xử lý hồ sơ hành chính…, thì cán bộ, đảng viên cần trực tiếp tham gia để hiểu cách vận hành và ghi nhận sự tiện lợi hay hạn chế của nó, từ đó tham gia ý kiến để hoàn thiện hệ thống hơn…
Ngoài ra, trong từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu trong việc nắm bắt, thực hiện các giải pháp về đô thị thông minh trong điều kiện của cơ quan, đơn vị mình. Chẳng hạn, nhiều cơ quan đang thực hiện quy trình xử lý văn bản bằng phần mềm và mạng nội bộ, nên phải học cách sử dụng, thường xuyên cập nhật và cố gắng không để trễ hạn; đồng thời, phải học cách thao tác nhanh, từ việc đánh máy, tra cứu, scan văn bản… cho đến sử dụng các ứng dụng, kể cả việc phát hiện sự cố, lỗi… để đề xuất xử lý. Đặc biệt, là đảng viên thì không nên để mọi người đánh giá rằng còn thụ động, ít tiếp cận công nghệ, chưa hòa nhập quá trình chuyển đổi số… so với quần chúng; khi đó tính nêu gương ít nhiều giảm tính thuyết phục.
Xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài với các yêu cầu, đòi hỏi mới không ngừng. Do đó, từng cán bộ, đảng viên phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức, thường xuyên thực hiện các thao tác, kỹ năng có liên quan, nhất là trong hoạt động cụ thể của mình tại cơ quan, đơn vị.