Tham gia cùng đoàn công tác có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu; Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nguyễn Trần Phượng Trân và hơn 140 đại biểu đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ban ngành, các Hội trực thuộc, lãnh đạo TP Thủ Đức, các quận huyện, các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực của TPHCM…
Tại Nghĩa trang Hàng Dương, đại diện các thành viên trong đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nguyễn Trần Phượng Trân bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc tới thân nhân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước tại vùng đất linh thiêng Côn Đảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm mộ nữ Anh hùng Võ Thị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương. Theo đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, lịch sử cách mạng Việt Nam là lịch sử của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Và chính nơi “địa ngục trần gian”, hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập dân tộc, tinh thần kiên cường, anh dũng đấu tranh, giữ vững khí tiết của người cách mạng, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Những chuồng cọp, chuồng bò, xà lim, những địa danh như Cầu tàu 914, Mũi Cá mập, Bãi sọ người, cầu Ma Thiên Lãnh, nghĩa trang Hàng Dương đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Chính trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam đã biến nhà tù của kẻ thù thành trường học cách mạng, tôi luyện, giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Trong cuộc đấu tranh anh dũng đó, có hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này, trong đó tiêu biểu như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Lê Văn Việt, anh hùng Lưu Chí Hiếu…
Noi gương các đồng chí, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc; truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM đã không ngừng phấn đấu, xây dựng TP ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cụ thể như, các chủ trương, chính sách của TP đều hướng đến việc phục vụ và nâng cao đời sống của người dân. Các phong trào “xóa đói”, “giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa” được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả và có sức lan tỏa cao. Đặc biệt, TP đã có rất nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng” nói chung; các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh bị tù đày tại Côn Đảo nói riêng.
Bên cạnh đó, TP đã chú trọng, đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” nhằm chăm lo thiết thực nhất cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi biên giới, hải đảo. Hàng trăm tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân TP đã được chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên giới, hải đảo. “Đó là những hành động thiết thực, ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.”- đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân nhấn mạnh.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Phát huy truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, sáng tạo, nhân ái, thủy chung của dân tộc; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, TP luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ.
Sau lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa với lòng thành kính hướng về anh linh các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước.
Tại đây, các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tri ân những mất mát to lớn của các mẹ Việt Nam Anh hùng đã dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc; nguyện chung sức, chung lòng tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước. Cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc nền độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; quyết tâm xây dựng khối đoàn kết vì đất nước Việt Nam văn minh và giàu đẹp, xứng đáng với công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất Côn Đảo.
Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã đến từng phần mộ dâng hương các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương, mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu,…
Các đại biểu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ cách mạng và nhà yêu nước qua nhiều thế hệ kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong đó chỉ có 793 ngôi mộ lưu rõ danh tính, quê quán, phần còn lại là những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang Hàng Dương đã được xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Đây là vùng đất thiêng ghi dấu ý chí kiên cường, bất khuất của những anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
* Cùng ngày, đoàn đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Keo.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Keo. Tại đây, các đại biểu đã thắp những nén hương thơm tri ân sâu sắc đối với anh hùng liệt sĩ đã đấu tranh bất khuất và hy sinh vẻ vang vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Côn Đảo trở thành một mảnh đất thiêng bậc nhất của Việt Nam.
Các đại biểu trong đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Hàng Keo. Nghĩa trang Hàng Keo là chứng tích của thực dân đối với dân tộc, là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sĩ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của nhà tù Côn Đảo. Theo đó, giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX đến thời kỳ khủng bố trắng 1940 thực dân Pháp đã chôn cất hơn 10 nghìn tù nhân Việt Nam tại Nhà tù Côn Đảo. Hiện trạng ngày nay nghĩa trang chỉ còn lại rừng tự nhiên, rất nhiều hài cốt của các tù nhân nằm dưới lòng đất chưa được tìm thấy.
Nơi đây, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Di tích nghĩa trang Hàng Keo đã được công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.