Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024

Phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ tại đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội,

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Luật Nhà giáo.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành với sự cần thiết việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

ĐB Thái Văn Thành (Nghệ An) và nhiều ĐB đánh giá cao dự thảo luật xác định rõ ràng địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập; về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo.

Góp ý về Luật Nhà giáo, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng, ngành giáo dục có đặc thù là giáo viên không lao động vì chức vụ cao hơn. Cơ bản, giáo viên dạy môn nào là dạy suốt đời môn đó, không có động lực để lên chức. Do vậy, cần có cơ chế để ghi nhận, trân trọng những nhà giáo này. Đó có thể là chính sách tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao trình độ, ghi nhận sự đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, luật này rất có ý nghĩa với nhà giáo. Đồng thời cũng đồng tình với quan điểm của ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) góp ý về chính sách tiền lương, chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục. ĐB cho rằng, chính sách tiền lương cho nhà giáo đã có trước đây, tuy nhiên lần này thì được luật hóa. Điều này thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Các ĐB đồng tình việc xếp lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM)

Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, ĐB Thái Văn Thành đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên. Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, ĐB đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà giáo cũng nhấn mạnh, phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy. Đã nói tới thầy thì phải có trò, vậy Luật Nhà giáo giải quyết được tương quan giữa thầy và trò như thế nào và phải giải quyết được mối quan hệ thật tốt giữa thầy và trò. Nếu không có trò không có thầy, vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng trong Luật này phải giải quyết được mối quan hệ rất quan trọng này. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Luật Nhà giáo ra đời các thầy cô sẽ chào đón rất nhiều, phải làm sao tạo cho người thầy đón nhật Luật này thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, không để Luật ra thầy lại thấy khó khăn hơn. Thầy làm tốt rồi sẽ lôi kéo được trò, người thầy là đầu tầu cho giáo dục.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), nêu quan điểm về bảo hiểm thất nghiệp, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, quy định về khoảng thời gian đóng từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thật sự tạo công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời quy định thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 12 tháng như vậy là không phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm thất nghiệp. ĐB chỉ rõ, nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải tương tự như nguyên tắc đóng hưởng của chế độ bảo hiểm xã hội, nghĩa là người lao động phải có đóng mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương đóng và thời gian đóng, hay "hiểu nôm na là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít". ĐB đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng và không hạn chế thời gian hưởng tối đa bảo hiểm thất nghiệp là không quá 12 tháng, đồng thời bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

ĐB Thái Thu Xương (Hậu Giang) đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tự nguyện nhằm bảo đảm an sinh xã hội. ĐB cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận về việc ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự.

Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐB bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự, vì thực tế có những vụ án lớn kéo dài hàng năm, khi cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên và cấm giao dịch thì đến khi giải quyết xong có những tài sản trong quá trình điều tra truy tố xét xử đã bị hỏng hóc, xuống cấp không thể dùng được nữa.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo