Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Bài 2:

Phải khẳng định: Việt Nam có tự do báo chí

“Nụ cười tác nghiệp” tại nhà giàn Huyền Trân. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của các cá nhân ở các nước, không riêng quốc gia nào. Đối với tình hình báo chí nước ta trong nhiều năm qua, gần như có lúc có những nhận định lệch lạc…

Hiến pháp năm 1946 đã hiến định tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các hiến pháp và tiếp tục được ghi tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,…. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 đã quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Điều 13 nêu: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đồng thời, khoản 2 Điều 13 Luật này quy định rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, cộng đồng quốc tế đã nhất trí xem quyền con người bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khoản 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) quy định cụ thể: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến…”. Khoản 3 Điều 19 quy định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: “a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác. b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 cũng nêu: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tuy ở mỗi thể chế xã hội khác nhau nhưng thế giới vẫn thừa nhận như một nguyên tắc hạn chế quyền. Tức là quyền này không phải là vô hạn. “Dù trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ nhất định. Phấn đấu xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính không đồng nghĩa với việc tùy tiện viết bài với mưu đồ xấu, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Người làm báo ngoài sự chế định của pháp luật còn có sự chi phối của lương tâm, trách nhiệm và sự giác ngộ chính trị. Tự do sáng tạo trong báo chí phải đi liền với việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích của đại đa số nhân dân”[1]. Như vậy, tự do báo chí không có nghĩa là tự do thông tin, tự do phản ánh mà phải luôn đặt trong các mối quan hệ, như luật pháp, lợi ích của các chủ thể, đạo đức nghề nghiệp…

Các phóng viên chuẩn bị cặp đảo trong một chuyến công tác Trường Sa. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Các phóng viên chuẩn bị cặp đảo trong một chuyến công tác Trường Sa. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Hiện luật pháp nước ta không cho phép ra báo chí tư nhân, điều này không đồng nghĩa với việc không có tự do ngôn luận. Việt Nam có báo của Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nên cá nhân không nhất thiết ra báo. Trên thực tế, không chỉ các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, có quyền bày tỏ chính kiến của mình trên mặt báo.

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí; trong đó 115 báo thực hiện 2 loại hình (in và điện tử), 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình, 29 báo và tạp chí điện tử chỉ có loại hình điện tử; 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình; khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí; cả nước hiện có 17.000 người được cấp thẻ nhà báo giai đoạn 2021 - 2025… Báo chí đã và đang đóng một vai trò quan trọng, thiết yếu trong đời sống xã hội. Điều đó cũng thể hiện báo chí đã và đang được tự do hoạt động như thế nào.

Ở một khía cạnh khác, hợp tác quốc tế về báo chí ngày càng phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia và đa lĩnh vực. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều dễ dàng đến được với công chúng Việt Nam thông qua nhiều nền tảng chính thức, chính quy, mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp…

Như vậy, tự do báo chí cũng như nhiều quyền tự do khác, phải có khuôn khổ, chuẩn mực và tùy thuộc vào những không gian, thời gian cụ thể. Việc đánh giá quốc gia nào có tự do báo chí hay không phải xét đến các điều kiện về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán… và gắn với các tiêu chí phổ quát của nhân loại, không thể tùy tiện đem hệ quy chiếu của chủ thể này áp cho chủ thể khác. Đồng thời, không thể ảo tưởng về cái gọi là tự do báo chí không có giới hạn hoặc vô tổ chức, vô kỷ luật, bởi khi đó sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.

Vân Tâm

____________

[1] PGS.TS. Nguyễn Trường Giang, Phê phán các luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam của Tổ chức Phóng viên không biên giới, Tạp chí Lý luận chính trị, số 8/2021.

Bài 1: Ở Việt Nam, không có cái gọi là “báo chí có quyền lực thứ tư”


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo