Thứ Năm, ngày 10 tháng 4 năm 2025

Loạt bài “Đấu tranh với một số nhận thức sai trái về tình hình báo chí ở Việt Nam”

Bài 1: Ở Việt Nam, không có cái gọi là “báo chí có quyền lực thứ tư”

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn cán bộ đang làm nhiệm vụ trên đảo Len Đao. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Trước giờ, nhiều người vẫn cho rằng báo chí có một thứ quyền lực thực sự. Những năm gần đây, khi báo chí gắn với nhiều hoạt động truyền thông khác, nhất là của không gian mạng, người ta hay nói đến một thứ quyền lực trong xã hội, mới hơn, rộng hơn, đó là “quyền lực truyền thông”. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài quyền lực về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quyền lực truyền thông cũng có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều vấn đề của xã hội, nhiều nhóm công chúng, chiều hướng phát triển xã hội. Trong thực tiễn, đôi khi ai đó nói rằng họ e dè với báo chí, thậm chí còn ngại hơn với các cơ quan chức năng, và từ đó mặc nhiên rằng báo chí có quyền lực đến độ nhiều chủ thể trong xã hội phải kiêng nể.

Lâu nay, một số nước phương Tây từng quan niệm báo chí là “quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nhiều người Việt Nam cũng tin vào lập luận này bởi họ cho rằng báo chí thực sự có quyền lực khi mà tiếng nói của báo chí có thể tác động đến một số cơ quan, nhà quản lý, các nhóm cộng đồng dân cư… Trên thực tế, một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, doanh nghiệp rất ngại tiếp xúc với báo chí, nhất là khi ở cơ quan, đơn vị mình có những vấn đề khuất tất, sai phạm hoặc có những biểu hiện khác chưa tích cực. Trong trạng thái đó, nhiều người tìm cách thoái thác, né tránh hoặc che đậy, bưng bít, kể cả “tranh thủ” bằng nhiều cách để thông tin khỏi lên mặt báo. Chính điều đó vô hình trung đã làm báo chí tự cho mình có thêm quyền lực và xã hội nhìn thấy báo chí càng có quyền lực.

Việt Nam hiện không “tam quyền phân lập”. Khoản 2 Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đã không có sự phân lập của 3 quyền thì cũng không có căn cứ để nói đến quyền thứ tư hay thứ năm… Và cũng không có căn cứ nào để xác định báo chí có quyền lực thứ mấy trong xã hội.

Nhiều phóng viên phải chen chúc nhau trong Lễ trao giải Quả bóng Vàng vào cuối năm 2018. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Nhiều phóng viên phải chen chúc nhau trong Lễ trao giải Quả bóng Vàng vào cuối năm 2018. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Suy cho cùng ở một số nước, cái gọi là “tam quyền phân lập” cũng chỉ tương đối, phần lớn dựa vào tương quan lực lượng giữa các phe nhóm chính trị chứ gần như chẳng có nước nào thực sự có sự “phân lập” giữa 3 quyền ấy. Cho nên, việc “kỳ vọng” về “tam quyền phân lập” hay “quyền lực thứ tư” của báo chí chỉ là lý thuyết hoặc là sự bay bổng về nhận thức!

Về hình thức, khi thông tin tức là báo chí đã tham gia vào việc tác động vào các chủ thể, các thiết chế của xã hội. Trong vai trò này, người làm báo đóng vai trò hết sức quan trọng, thông qua các tác phẩm báo chí của mình. “Thực ra tự thân báo chí không tạo ra quyền lực, mà quyền lực đó được phát sinh, tạo nên bởi những người thực thi nó, tức là những người làm báo”[1]. Điều này có nghĩa rằng, các chủ thể có thể tạo ra quyền từ thông tin, tác phẩm của mình. Quyền lực của báo chí được khẳng định ở tính chất đó.

Tuy nhiên, hiện không chỉ có sự ngộ nhận về quyền lực thứ tư của báo chí trong dư luận mà còn trong chính một bộ phận người làm báo; hoặc họ nhầm tưởng rằng báo chí hoặc bản thân họ trong vai trò người làm báo đang có quyền lực thực sự. Từ đó, họ khệnh khạng, hành xử vượt quá các chuẩn mực về đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật. “Trong làng báo Việt Nam cũng đang tồn tại những thứ quyền lực được tạo nên bằng ảo tưởng và cả những suy nghĩ giản đơn về nghề. Điều này thể hiện trên những trang báo đầy ngộ nhận. Có những nhà báo trẻ bắt đầu học viết nhưng không bắt đầu từ những việc nhỏ mà lại muốn trở thành “ông kễnh” ngồi nhận định những vấn đề to lớn”[2]. Một trong biểu hiện thường thấy khi xây dựng tác phẩm, họ thường chỉ trỏ, ra lệnh cho người khác phải thế này thế nọ, còn bản thân họ được “loại trừ”, coi như đứng ngoài, không liên quan…

Tại các sân vận động, các phóng viên ảnh thể thao rất vất vả tác nghiệp vào mùa mưa. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Tại các sân vận động, các phóng viên ảnh thể thao rất vất vả tác nghiệp vào mùa mưa. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Hiện tượng này đã được ghi nhận thành một vấn đề không còn cá biệt: “Từ khi quan niệm của một số nước phương Tây cho rằng trong đời sống xã hội, báo chí có vai trò như “quyền lực thứ tư” được du nhập thì một số người làm báo ở Việt Nam lạm dụng “quyền lực” này để hành nghề mà bất chấp quy tắc, đạo đức”[3]. Chẳng hạn, lâu nay, có một cụm từ hay được nhắc tới để nói về cách ứng xử của một số người làm báo, đó là “phóng viên đếm tầng”, tức là phóng viên đi đến các công trình đang thi công, tìm hiểu quy mô theo giấy phép rồi bắt bẻ, tìm cho ra các lỗi vi phạm để uy hiếp, đe dọa chủ đầu tư rằng “sẽ đưa lên mặt báo”, “sẽ chuyển cơ quan chức năng”… để buộc chủ đầu tư phải “biết điều”. Cụm từ đó hiện được dùng với ý nghĩa người làm báo dùng vị trí của mình, cơ quan báo chí của mình để khống chế, bắt buộc một số chủ thể phải chi lợi ích để bỏ qua dấu hiệu vi phạm.

Hay ở một khía cạnh khác, có người làm báo đòi hỏi phải đưa thông tin mà họ thu thập được lên mặt báo, nhất là với các vấn đề “nóng” mà ít quan tâm đến hậu quả của thông tin đó, có khi phớt lờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, liên quan đến thông tin về tình hình hoạt động của một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, dù có định hướng, nhắc nhở của các cơ quan chức năng nhưng không ít trường hợp phóng viên đưa tin thiếu nhạy cảm, theo kiểu “xã hội có sao thì tôi nêu vậy”, chỉ nêu được hiện tượng mà không phân tích được bản chất để góp phần dẫn dắt dư luận, dẫn đến những hệ lụy xấu cho thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội…

Do đó, phải đấu tranh với nhận thức sai lệch này bắt đầu từ trong đội ngũ những người làm báo, tác động dần đến các chủ thể khác trong xã hội, để khẳng định rằng, báo chí Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng nhưng không bao giờ có cái gọi là “quyền lực thứ tư” sau các quyền của bộ máy chính trị. Và, dù nó có quyền thì quyền ấy chính là quyền “phò chính, trừ tà” như Bác Hồ đã dạy, tức là tích cực đấu tranh bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, để cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn!

Vân Tâm

_______________

[1] Thiện Văn, “Quyền lực truyền thông”, Tạp chí Người làm báo điện tử, ngày 22/4/2020.

[2] Phạm Nguyễn, “Nghĩ về ‘quyền lực thứ tư’”, Báo Điện tử Xây dựng, ngày 21/6/2012.

[3] Sông Mây, “Ngưỡng” nào cho ‘quyền lực thứ tư’”?, Nhà báo và công luận, ngày 6/8/2020.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo