Thứ Sáu, ngày 24 tháng 1 năm 2025

NSND Đặng Thái Sơn: Biểu diễn ở TPHCM như về quê ngoại

NSND Đặng Thái Sơn xuất hiện giản dị khi tiếp xúc với báo chí TP. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 1980, Đặng Thái Sơn trở thành người châu Á đầu tiên chiến thắng ở cuộc thi Piano Quốc tế Frédéric Chopin được tổ chức ở Warszava (Ba Lan) - một trong những cuộc thi dương cầm cổ điển lâu đời và uy tín nhất thế giới. Từ đây, tên tuổi ông vụt sáng trở thành nghệ sĩ piano tầm cỡ thế giới, là nghệ sĩ trẻ nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” ở tuổi 26 vào năm 1984.

Tự hào về truyền thống gia đình

NSND Đặng Thái Sơn cho rằng mình đã rất may mắn khi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, có mẹ và dì là những phụ nữ Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản và theo đuổi nghệ thuật hàn lâm chuyên nghiệp. Trong đó, dì là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris, từng lưu diễn nhiều nước trên thế giới. Và mẹ, người ảnh hưởng rất lớn đến NSND Đặng Thái Sơn, là NGND - NSƯT Thái Thị Liên, từng học Nhạc viện Paris, một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng tốt nghiệp tại Nhạc viện Praha (Tiệp Khắc, nay là Cộng hòa Czech), là thành viên sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đã đào tạo nên nhiều tên tuổi lớn cho âm nhạc Việt Nam.

Đó chính là nền tảng vững chắc để Đặng Thái Sơn bộc lộ và phát triển năng khiếu. Tuy nhiên, trong những năm tháng đất nước còn khó khăn thì việc đến với âm nhạc không hề dễ dàng. “Lúc đó, nào có khái niệm âm nhạc chuẩn ra làm sao. Nhưng ký ức tuổi thơ đọng lại từ nơi sơ tán có tiếng đàn piano của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Đến năm 1970, mẹ tôi được làm khách mời tham dự Concours Chopin và mang về nhiều băng đĩa, sách nhạc về Chopin. Thế là ngày đêm tôi nghe, tôi đọc, tôi “sống” cùng Chopin - làm gì được tiếp xúc với Mozart, Beethoven hay ai khác, thế là tự dưng yêu luôn Chopin…”, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.

Cái duyên với Chopin của Đặng Thái Sơn tiếp diễn vào cuộc thi làm nên tên tuổi ông vào năm 1980, khi mà Ban Tổ chức suýt từ chối đơn tham dự vì một tiểu sử “ngắn chưa từng thấy”: chỉ có họ tên, năm sinh, trường học, còn lại chưa từng có giải thưởng, chưa từng biểu diễn. “May mắn là họ cho qua vì đó là năm đầu tiên Việt Nam đăng ký dự thi, coi như có thêm một nước tham gia. Thấy mình cũng là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky của Liên Xô nên chắc cũng không tới nỗi nghiệp dư. Thế là tôi một mình đi thi, tự mình đi tàu hỏa đến Ba Lan, không gia đình, không thầy cô, không bạn bè, trang phục biểu diễn chuyên nghiệp cũng chẳng có…”, NSND Đặng Thái Sơn nhớ lại.

Trước đó, Đặng Thái Sơn đến với cuộc thi chủ yếu là vì yêu mến Chopin, mong muốn được đến thăm Ba Lan - quê hương người nhạc sĩ thiên tài. Tuy đã dẫn đầu bảng trong cuộc thi thử ở Liên Xô nhưng Đặng Thái Sơn cũng chỉ hy vọng “vào được vòng 2 là đã vui rồi” (có 4 vòng thi - PV). Với tâm thế “không có gì để mất” mà nói như NSND Đặng Thái Sơn: “được thì mừng, còn rủi có dở thì ở đây mình chỉ là cậu “sinh viên quèn”, đâu ai biết là ai” nên ra thi rất thoải mái, không hề chịu áp lực, còn cả sự xúc động khi lần đầu tiên được biểu diễn ở một khán phòng lớn đến vậy. Có lẽ đến với cuộc thi thật “vô tư” nên màn trình diễn của Đặng Thái Sơn đã mang lại cảm xúc tươi mới và chinh phục được Hội đồng nghệ thuật khó tính của cuộc thi danh giá.

NSND Đặng Thái Sơn luyện tập tập cho chương trình biểu diễn tại Giai điệu Mùa thu 2019. (Ảnh: HBSO) NSND Đặng Thái Sơn luyện tập tập cho chương trình biểu diễn tại Giai điệu Mùa thu 2019. (Ảnh: HBSO)

Không ngừng luyện tập

Chiến thắng ngoạn mục ở cuộc thi Piano Quốc tế Chopin năm 1980 đã đưa tên tuổi Đặng Thái Sơn ra trường quốc tế thế nhưng ông không lao vào các chuyến lưu diễn mà quay lại trường học. Ông chia sẻ: “Mới học có 3 năm đã ra thi thì làm gì đủ để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Giải thưởng chỉ là động viên bước đầu, sau khi đoạt giải càng phải nâng cao tay nghề, không ngừng rèn luyện kỹ năng, học hỏi. Tôi phải mở rộng chương trình, đâu chỉ đánh mãi mỗi Chopin, cũng phải thay đổi cách đánh như tự đổi mới mình. Là nghệ sĩ chuyên nghiệp phải quen với áp lực, đâu phải lúc nào mình đánh cũng hay (như bị ốm, tâm trạng không tốt…) nhưng mỗi lần biểu diễn là một lần “ra trận” và phải luôn chuẩn bị tốt nhất vì khán giả không dễ quên những thiếu sót…”.

Với tinh thần không ngừng học hỏi, rèn luyện đó, NSND Đặng Thái Sơn đã duy trì lao động nghệ thuật bền bỉ suốt hơn 30 năm qua với các chuyến lưu diễn khắp các phòng hòa nhạc nổi tiếng, như: Lincoln Center (New York), Barbican Center (London), Salle Pleyel (Paris), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House (Sidney), Suntory Hall (Tokyo)… Cũng như bận rộn với công tác giảng dạy tại: Đại học Montreal (Canada), Oberline Conservatory (Mỹ); giáo sư thỉnh giảng tại các trường nhạc ở châu Á; là Giáo sư Danh dự của Nhạc viện Trung ương Trung Quốc. Ông cũng là giám khảo nhiều cuộc thi piano uy tín quốc tế (là người Á Đông đầu tiên được chọn vào ban giám khảo Concours Chopin 2005). Năm 2018, NSND Đặng Thái Sơn được Bộ Văn hóa Ba Lan trao tặng Huy chương Vàng Gloria Artis ghi nhận những đóng góp của ông cho văn hóa và di sản Ba Lan.

NSND Đặng Thái Sơn và mẹ - NGND Thái Thị Liên. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam) NSND Đặng Thái Sơn và mẹ - NGND Thái Thị Liên. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Để đến với khán giả TPHCM tại Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu 2019, NSND Đặng Thái Sơn đã phải sắp xếp lịch làm việc của mình từ 3 năm trước. Không chỉ khán giả, giới chuyên môn hào hứng chờ đợi sự xuất hiện của nghệ sĩ piano tầm cỡ thế giới trên sân khấu Giai điệu Mùa thu mà chính NSND Đặng Thái Sơn cũng xúc động trước tâm huyết những người thực hiện chương trình, ấn tượng trước nỗ lực duy trì và phát triển một liên hoan nghệ thuật hàn lâm tầm cỡ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) những năm qua. “Đặc biệt, ở TPHCM tôi như về quê ngoại, mẹ tôi sinh ra ở đây nên biểu diễn tại TP cũng là đàn cho bà con mình nghe vậy (NGND Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn trong một gia đình trí thức Tây học, anh bà là luật sư Thái Văn Lung - PV). Tôi luôn cảm thấy ấm áp!”, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ.

Đêm nhạc với NSND Đặng Thái Sơn kết lại Giai điệu Mùa thu 2019

Tối 25/8, tại Nhà hát TPHCM (Quận 1), chương trình “Đêm nhạc với NSND Đặng Thái Sơn” đã chính thức khép lại Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu 2019.

Lần đầu tiên, NSND Đặng Thái Sơn xuất hiện trên sân khấu Giai điệu Mùa thu, đã kết hợp với Dàn nhạc Giao hưởng HBSO biểu diễn Concerto số 3 cho piano của Beethoven - tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nồng nàn, mạnh mẽ, mang đậm giá trị nhân sinh, được xem là một đỉnh cao sáng tác của Beethoven. Chia sẻ sự yêu thích, đồng cảm của mình đối với âm nhạc Beethoven, NSND Đặng Thái Sơn cho biết cả thế giới sắp bước vào mùa diễn Beethoven hướng đến kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Ludwig van Beethoven (1770 - 2020) và chương trình biểu diễn này tại Giai điệu Mùa thu xem như đã đi đầu cho mùa diễn kỷ niệm đặc biệt này.

Phần 2 của chương trình giới thiệu bản Giao hưởng số 7 của Beethoven với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên trở về từ Pháp. Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chỉ huy chương trình.

Diễn ra từ ngày 17 đến 25/8 với 8 chương trình biểu diễn ở cả 3 lĩnh vực giao hưởng - thính phòng, nhạc kịch và múa đương đại, Liên hoan nghệ thuật Giai điệu Mùa thu 2019 đang dần khẳng định một “thương hiệu nghệ thuật” mang tầm khu vực, thể hiện sự phát triển trong hợp tác quốc tế về nghệ thuật giữa HBSO và các nghệ sĩ tài năng thế giới; cũng là nơi “trở về” của những tài năng nghệ thuật hàn lâm Việt từ khắp nơi trên thế giới.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo