Thứ Năm, ngày 12 tháng 9 năm 2024

Những thương binh không gục ngã trước những khó khăn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tặng hoa các đồng chí: Nguyễn Thành Ngưỡng, Lý Kim Mai và Dương Đình Tấu

(Thanhuytphcm.vn) - Không khuất phục trước quân thù trong chiến đấu để góp phần giành độc lập, thống nhất đất nước và khi trở về cuộc sống không gục ngã trước những khó khăn. Tinh thần của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, những người “Thương binh tàn nhưng không phế” luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, luôn hết lòng vì cộng đồng. Đó là những câu chuyện được chia sẻ tại họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 27/7.

Lan tỏa truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng, từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Campuchia. Đồng chí đã từng tham gia 5 chiến dịch lớn, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 22 trận lớn và nhỏ.

Đồng chí Nguyễn Thành Ngưỡng kể mình đi bộ đội khi mới 16 tuổi. Khi đó, là một học sinh cấp ba tại quê (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), qua theo dõi đài, báo biết được âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ tàn phá nhân dân miền Nam, khiến người dân vô cùng khổ sở, xương máu đã đổ xuống. Ngay trên quê hương Nghệ An cũng bị chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ oanh tạc, đánh bom, tàn phá, đồng chí đã quyết định đi bộ đội, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù biết phía trước chắc chắn sẽ có nhiều gian khổ, hy sinh. “Tôi đã giấu gia đình về việc mình đi bộ đội, buổi chiều trước ngày lên đường nhập ngũ một ngày, tôi mới nói cho gia đình biết” – đồng chí Nguyễn Thành Ngưỡng nhớ lại.

Sau thời gian chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Thành Ngưỡng trở về, mang trên người nhiều thương tích. Đồng chí là thương binh hạng 2/4, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. “Giờ đây, khi nhìn lại, tôi rất tự hào dẫu cho giờ đây trong người mang nhiều thương tích, trở trời vô cùng đau đớn, nhiễm chất độc màu da cam. Tôi chưa từng hối hận vì quyết định ngày xưa của mình” – đồng chí Nguyễn Thành Ngưỡng chia sẻ.

Dù đã tuổi cao nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng vẫn tích cực tham gia các buổi chia sẻ, giao lưu  tại các trường học trên địa bàn TPHCM với mong muốn lan tỏa truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. “Hòa bình độc lập tự do của đất nước hôm nay không phải là đơn giản để có được. Đó là công lao của cha ông ta đã đổ xương, đổ máu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Các bạn trẻ hãy xem đây là động lực học tập, công tác, phấn đấu yêu Tổ quốc, giữ gìn phát triển đất nước” – đồng chí Nguyễn Thành Ngưỡng gửi gắm.

Luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Đồng chí Lý Kim Mai, là người hoạt động kháng chiến với nhiệm vụ giao liên Hoa vận Thành và là vợ liệt sĩ Lý Khải. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lý Kim Mai tích cực tham gia công tác và từng làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quận 5. Ngay khi về hưu, đồng chí vẫn năng nổ tham gia các hoạt động tại địa phương.

Đồng chí Lý Kim Mai chia sẻ, thời gian qua, các thương binh, đối tượng diện chính sách đều được nhà nước quan tâm rất nhiều cả vật chất lẫn tinh thần. Và bản thân những người thương binh vẫn luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển gia đình - xã hội tốt đẹp hơn. Từ tinh thần đó, hiện nay, dù đã về hưu, đồng chí vẫn năng nổ tham gia công tác địa phương, giữ vai trò Chủ tịch Hội khuyến học Quận 5.

Các đồng chí: Nguyễn Thành Ngưỡng, Lý Kim Mai, Dương Đình Tấu tham gia buổi giao lưu Các đồng chí: Nguyễn Thành Ngưỡng, Lý Kim Mai, Dương Đình Tấu tham gia buổi giao lưu

Đồng chí Lý Kim Mai tham gia công tác này với mong muốn chăm lo các cháu thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập. Đồng chí tìm cách vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các cháu lớn lên thành tài. “Chúng tôi cũng tạo điều kiện tổ chức cho các cháu đi tham quan tại các địa chỉ đỏ, trong đó có Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm (Quận 5) là nơi Bác Hồ đã ở 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước, để các cháu thấy được những tấm gương đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do như hôm nay. Từ đó tạo động lực cho các cháu phấn đấu học tập góp sức xây dựng TP” - đồng chí Lý Kim Mai cho biết thêm.

Tham gia kháng chiến khi mới 17 tuổi, đồng chí Dương Đình Tấu được tặng nhiều huân chương và huy hiệu dũng sĩ. Sau khi xuất ngũ, là thương binh trở về (thương binh hạng 3/4, bệnh binh hạng 2/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), đồng chí Dương Đình Tấu đã nỗ lực học tập, đi học đại học để có nghề nghiệp ổn định chăm lo cho cuộc sống của mình, góp sức mình để xây dựng quê hương. Đồng chí luôn tâm niệm, người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, chiến thắng quân thù để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong thời bình phải luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên trong cuộc sống.

“Nhớ lời Bác Hồ dặn “Thương binh tàn nhưng không phế” và tinh thần học tập của Bác, tôi đã chọn con đường đi học để lấy được bằng đại học, ổn định cuộc sống của mình. Tinh thần người chiến sĩ cách mạng là không khuất phục trước quân thù khi chiến đấu và khi trở về cuộc sống, không gục ngã trước những khó khăn” – đồng chí Dương Đình Tấu chia sẻ.

Với những nỗ lực của mình, đồng chí Dương Đình Tấu cùng gia đình đã nuôi dạy hai người con đều có bằng đại học.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo