Thứ Năm, ngày 7 tháng 11 năm 2024

Những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, đảng viên về “bản thân mình”

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ đội trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Khi còn ở Pác Bó, Bác Hồ đã tặng một đồng chí cán bộ quê ở Cao Bằng bài thơ bằng chữ Hán mà đồng chí ấy tự dịch ra, lược ý: "Làm cách mạng trước hết phải cách mạng tấm lòng. Cải tạo xã hội, trước hết phải cải tạo bản thân mình. Kiểm tra đầy đủ lòng mình, bản thân mình. Tự phê bình cho thành nền nếp. Trước hết sửa mình tu dưỡng bản thân. Sau mới có thể khuyên bảo cấp dưới. Sau mới có thể làm cho quần chúng noi theo".

Một lời dạy dành cho “bản thân mình” của cán bộ, đảng viên gần như đầy đủ tất cả các ý nghĩa, từ những việc lớn lao như hoạt động cách mạng hay cải tạo xã hội, cho đến các công việc thường xuyên trong Đảng như thực hiện công tác kiểm tra, tự phê bình, tu dưỡng đạo đức…, từ đó tác động đến cấp dưới một cách tích cực và có thể thuyết phục được quần chúng tin Đảng, đi theo Đảng.

Có người nói: Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính mình. Trong mỗi người, hầu như luôn có những sự đấu tranh nội tại và việc vượt qua được chính bản thân là điều không hề dễ dàng; trong nhiều trường hợp, người ta có thể thắng được người khác như không thắng được bản thân. Nên đúc kết của người xưa rằng: Nghèo khó không thay đổi, giàu có không xa xỉ, sức mạnh không khuất phục, đều hướng đến sự vượt qua các thử thách, cám dỗ, sợ hãi của bản thân.

Là người bình thường, các yếu tố nghiêm khắc đối với bản thân mình đã rất quan trọng để hướng đến sự hoàn thiện về nhân cách, còn đối với cán bộ, đảng viên, điều đó lại càng quan trọng hơn. Từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh, Bác Hồ đã nói khá cụ thể về “tư cách một người kách mệnh” thì “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật”. Như vậy, các đòi hỏi về việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân là không ít, bởi mình có thể hiện được tư cách của một người cách mạng (sau này là một cán bộ, một đảng viên) thì mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ mà Đảng giao phó, mới vừa là người lãnh đạo vừa người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Bác cũng căn dặn: Đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại… Như vậy, vấn đề “tự thân” hay “bản thân mình” của người cách mạng nói chung, người cán bộ, đảng viên nói riêng là có rất nhiều điều phải chú ý, phải học tập, phải rèn luyện. Đây là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng bên cạnh các yêu cầu về “đối với người”, “đối với việc”.

Trong hoạt động thực tiễn, để tránh vi phạm các yêu cầu về vấn đề “bản thân mình” thực sự không dễ dàng gì. Nhất là khi Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo xã hội, đương nhiên phát sinh quyền lực. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng trở thành những người có quyền theo chức vụ, vị trí công tác cụ thể, có thể “ra uy” hay “đòi hỏi” người khác, có thể tìm kiếm lợi ích bằng quyền hạn của mình…, từ đó dẫn đến tha hóa quyền lực. Chẳng hạn, đang lúc thực hiện chi hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19, giả sử cán bộ cơ sở có lòng tham, không quan tâm chăm lo cho nhân dân, không biết nghĩ đến đại cục, có thể lợi dụng chức vụ của mình để gợi ý hoặc ép buộc người dân phải “biết điều” thì mới đưa vào danh sách hỗ trợ, hoặc cố tình đưa người thân của mình vào danh sách chăm lo dù không đúng đối tượng... Trên thực tế, liên quan đến hoạt động phòng chống dịch, xảy ra việc cán bộ lợi dụng mua sắm trang thiết bị đã kê khống giá mua để hưởng chênh lệch hoặc thực hiện việc đầu cơ một số loại mặt hàng…

Sự tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên luôn có ý nghĩa quan trọng để làm gương cho cấp dưới và từ đó lan tỏa đến với quần chúng nhân dân. Các nhân viên sẽ làm việc tích cực và chăm chỉ hơn nếu lãnh đạo của họ tận tụy, xả thân với công việc; quần chúng sẽ hăng hái phấn đấu trở thành đảng viên hơn nếu họ thấy các vị lãnh đạo là những người tiêu biểu và gương mẫu về phẩm chất, năng lực, tác phong; người dân sẽ tin tưởng và hợp tác với chính quyền tốt hơn nếu họ thấy các cán bộ, công chức, đảng viên thực sự là công bộc của dân, đồng thời thể hiện được tư cách, đạo đức ngời sáng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại điểm an sinh xã hội khẩn cấp ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, ngày 26/8/2021. (Ảnh: VGP) Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại điểm an sinh xã hội khẩn cấp ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, ngày 26/8/2021. (Ảnh: VGP)

Một trong những điều cán bộ, đảng viên phải thực sự chú trọng rèn luyện là “ít lòng tham muốn về vật chất”, bởi càng tham muốn thì sẽ càng tìm cách vun vén hoặc chí ít là chú trọng nhiều về vật chất mà xao nhãng nhiệm vụ, thậm chí tìm cách trục lợi sai trái từ nhiệm vụ của mình. Thời gian qua, nhiều cán bộ vì lợi ích cá nhân mà vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không chỉ phủ định tất cả cống hiến của mình trước đó mà còn làm mất uy tín của đội ngũ. Còn trong lúc dịch bệnh hiện nay, dù nguồn thu nhập là chính đáng nhưng nếu cán bộ sống xa hoa trong lúc rất nhiều người khó khăn thì đó là sự bất nhẫn, vô cảm…

Đặc biệt, sự hy sinh của cán bộ, đảng viên có thể coi là một phẩm chất vô cùng cao quý. Trong chiến tranh, nhiều đảng viên sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để thực hiện nhiệm vụ do Đảng giao phó; còn hiện nay, nhiều đảng viên hy sinh lợi ích riêng tư, thậm chí cả sức khỏe, tính mạng để tham gia phòng chống dịch, để phục vụ nhân dân. Sự hy sinh đó dường như là sự kết hợp hoàn hảo giữa trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức với tư cách người đảng viên và lòng yêu thương con người vốn luôn có ở bất kỳ cá nhân nào.

Đôi khi ai đó hay hô hào cho người khác, kêu gọi người khác phải thế này hay thế kia mà quên mất rằng chính mình phải là người đầu tiên thực hiện những điều kêu gọi đó. Nên trong các bài học về rèn luyện tư cách của người đảng viên mà Bác Hồ đã dạy, có thể nói bài học về “bản thân mình” cần phải được học nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất, toàn diện nhất!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo