Thứ Hai, ngày 13 tháng 1 năm 2025

Những “bóng hồng” tận tâm trong công tác cắt cơn, cai nghiện cho học viên cai nghiện

Mỗi ngày chị Vũ Hồng Thúy dành thời gian để chia sẻ với học viên.

(Thanhuytphcm.vn) - Với Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), công tác cai nghiện là một trong những công việc đặc thù đòi hỏi mỗi nhân viên, nhất là đối với các nhân viên nữ tính kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là tận tâm, tận lực, sống nghĩa tình với từng học viên cai nghiện. Và các nhân viên nữ tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã làm được điều đó, dệt nên những câu chuyện đầy tính nhân văn...

1. Sinh năm 1991, chị Vũ Hồng Thúy tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, dù chỉ mới gắn bó với Tổ nữ Cơ sở xã hội Nhị Xuân (thuộc Lực lượng TNXP TPHCM) được hơn 10 tháng nhưng chị đã được học viên tin tưởng chia sẻ, tâm sự một cách chân thành.

Với quan niệm “Cô trò mến nhau, trò phát triển thì đó là điều hạnh phúc của cô”, nên chị Vũ Hồng Thúy đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với học viên qua các hoạt động như giao ban, sinh hoạt nhóm, tham vấn, tư vấn... Chị được giao quản lý gần 80 học viên nữ là học viên đang trong quá trình cắt cơn và theo Nghị định 221. Thời gian đầu chị không khỏi bỡ ngỡ vì nhận thấy có sự khác biệt rõ giữa lý thuyết học được trên ghế nhà trường với thực tế khi tiếp xúc, trao đổi với từng đối tượng học viên.

“Ban đầu nản lắm vì tính chất công việc rất khó khăn. Mỗi lần tiếp xúc với học viên, họ mỗi người mỗi tính nên nhiều khi thấy áp lực, thế nhưng, nhờ vào sự động viên và hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị trong Tổ nên dần quen. Tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân tôi học được rất nhiều điều bổ ích, nắm được tư tưởng tâm lý của học viên, cách làm việc, nói chuyện sao cho học viên hiểu và thay đổi. Tôi cũng học được tính kiên trì, biết cách lắng nghe nhiều hơn” - chị Vũ Hồng Thúy chia sẻ.

Khi mới vào làm, chị được đơn vị cho học nghiệp vụ về cách sơ cấp cứu khi học viên xảy ra sự cố, công tác tham vấn tư vấn, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là môn võ để tự vệ. Chị Vũ Hồng Thúy nhớ nhất là ngày đầu khi được giao gặp trường hợp học viên H.H.P. (SN 1971). Học viên này khi vào vẫn chưa thoát khỏi thói quen ăn chơi, quậy phá như bên ngoài, nên khi đưa vào học tập trong khuôn khổ, có quy định nội quy giờ giấc cụ thể, học viên tỏ ra khó chịu nên chửi thề, gây mâu thuẫn nội bộ trong phòng với các học viên khác và đặc biệt có hành vi chống đối dẫn đến nhiều lần bị nhắc nhở, cảnh cáo. Xác định đây là “ca khó” đối với người mới vào, nên chị Vũ Hồng Thúy đã cố gắng rất nhiều. Kết quả là chị đã có thể trò chuyện một cách thân thiện, gần gũi và được học viên chia sẻ, tâm sự một cách chân thành.

Một trường hợp khác khiến chị Vũ Hồng Thúy không quên được là học viên N.T.T.V. (SN 1989), mồ côi cha mẹ nên sống với anh chị, vì không nghe lời dạy dỗ đã lỡ sa ngã vào con đường ma túy từ người bạn trai của mình. V. vào cai nghiện tại cơ sở và nhiều lúc tỏ ra buông xuôi, bất cần, nhưng chính nhờ tình cảm của thầy cô ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã vực dậy tinh thần của V. Sau khi cắt cơn, V. phải chuyển đến cơ sở khác theo quyết định của tòa án. Nhưng vì gần Tết nên cô đã làm đơn xin hoãn thời gian chuyển đi để có cơ hội đón Tết cùng với chị em ở Nhị Xuân. Cũng từ cái Tết đó đã khiến cô trở thành một con người khác, biết cố gắng vượt qua mọi đau buồn để làm lại một con người mới.

Chính sự thay đổi rất nhiều từ học viên đã làm cho Vũ Hồng Thúy có một niềm tin mãnh liệt là chính môi trường TNXP đã cho mình cơ hội được cống hiến và giúp đỡ được nhiều con người lầm lỡ.

2. Gần 20 năm gắn bó tại Phòng Y tế, Cơ sở xã hội Nhị Xuân, chị Nguyễn Thị Hợp, y sĩ Phòng Y tế đã đúc kết cho bản thân một câu châm ngôn: “Tình cảm nhẹ nhàng và ân cần trong cử chỉ, lời nói là liều thuốc xoa dịu cho học viên”.

Chăm sóc sức khỏe cho học viên là nhiệm vụ hàng ngày của chị Nguyễn Thị Hợp. Chăm sóc sức khỏe cho học viên là nhiệm vụ hàng ngày của chị Nguyễn Thị Hợp.

Không giống như các y, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện, các y, bác sĩ làm việc tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân thường phải đối mặt với những nguy hiểm nhất định khi thường xuyên phải tiếp xúc với học viên sử dụng ma túy hay những đối tượng ngáo đá. Trong công việc khám chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Hợp luôn phải đối mặt với nhiều học viên với nhiều câu chuyện và hoàn cảnh khác nhau. Nhất là các học viên mới vào thì họ luôn tìm cách gây hấn, dùng những từ ngữ rất khó nghe khi nói chuyện với bác sĩ, nhân viên y tế vì thói quen hành xử côn đồ, bất cần đời. Hàng ngày chị luôn đối mặt với nhiều bệnh nhân tâm lý bất thường và rủi ro luôn rình rập, nhưng với lòng yêu nghề, chị và các y bác sĩ vẫn tận tâm chăm sóc, an ủi, động viên, tư vấn cho các học viên từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Dần dần, học viên vừa xem chị là một người thầy thuốc, vừa xem chị như một người thân dễ dàng tâm sự, chia sẻ. Mỗi lần đến giờ khám bệnh, phát thuốc, học viên hay hỏi chị về những vấn đề về cuộc sống, về sức khỏe. “Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề các em chưa hiểu. Niềm vui của tất cả các bác sĩ ở đây là được thấy các em học viên đủ điều kiện sức khỏe để học tập và lao động. Vì thế, dù công việc áp lực hay vất vả thế nào thì chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải dùng tình cảm nhẹ nhàng và ân cần trong lời nói, cử chỉ thì mới là liều thuốc đúng nghĩa xoa dịu cho học viên” – chị Nguyễn Thị Hợp chia sẻ.

Chị kể, có lần một học viên nam H.T.B. trong đội Tự nguyện – được anh em trong tổ xem như “tổ trưởng”, sau khi khám bệnh, chị nhờ B. quét dọn khu vực vừa khám xong. Học viên bất ngờ nói nhỏ vào tai chị: “Má đóng dùm con cái cửa, vì để tụi nó thấy con cầm chổi, tụi nó cười”. Chị liền hỏi: “Sao phải cười, đó là công việc mà ai cũng phải làm và nó lại là sự giúp đỡ của em đối với thầy cô mà”. Học viên bảo: “Dạ, vì trong đội, con được xem là tổ trưởng, nên thấy con cầm chổi tụi nó cười con…”. Chị cười nhẹ và vỗ về: “Con là tổ trưởng, vậy con phải nêu gương thì các bạn mới làm theo chứ”. Thấy B. gật đầu, dạ vâng và tiếp tục quét dọn, chị cảm thấy rất vui. Chính những câu chuyện tuy đơn giản nhưng để lại nhiều kỷ niệm trong 20 năm gắn bó tại cơ sở của chị. Chị Nguyễn Thị Hợp luôn có niềm tin rằng sẽ có nhiều học viên giống như B., ngày càng tốt lên và sớm tái hòa nhập cộng đồng để trở về với gia đình.

Hoàng Vân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo