Nhiều hoạt động chăm lo Tết đến mọi người, mọi nhà
Tại chương trình, các đại biểu cho rằng để mọi người, mọi nhà đều có một cái Tết ấm áp và trọn vẹn trong dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025, TP cần có chính sách để chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công và những hộ gia đình khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Tăng Minh cho biết, năm nay, TP chăm lo 325.448 suất quà đến diện chính sách có công, với kinh phí hơn 423,7 tỷ đồng, tăng 15.420 đối tượng so với năm 2024 và tăng khoảng 20,4 tỷ đồng (do tăng cán bộ hưu trí, đối tượng chính sách được công nhận mới và từ các tỉnh khác chuyển về TP); chăm lo 8.575 suất đối với dân nghèo, với hơn 10,7 tỷ đồng, giảm 12.413 hộ nghèo so với năm 2024 và giảm khoảng 15,5 tỷ đồng; 148.215 suất quà đối với diện bảo trợ xã hội, với kinh phí hơn 170,4 tỷ đồng, tăng 9.174 đối tượng so với năm 2024 và tăng khoảng 10,5 tỷ đồng. Riêng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được chăm lo 4.931 suất, với kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, tăng 2.343 người và tăng 2,6 tỷ đồng so với năm 2024.
Bên cạnh đó, TP cũng chăm lo 7.542 suất đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng, tăng 568 trẻ và tăng 653 triệu đồng so với năm 2024. Ngoài ra, còn tổ chức đoàn đi thăm các đơn vị quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội…
Dịp Tết Ất Tỵ năm nay với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân đoàn kết”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Phạm Chí Tâm cho biết thêm, TP tập trung chăm lo 15.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên chăm lo đoàn viên Công đoàn tại các doanh nghiệp bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bão, lũ các tỉnh phía Bắc không có điều kiện về quê đón Tết, với hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, Liên đoàn Lao động TP sẽ tổ chức cấp TP chăm lo cho 300 hộ gia đình; số hộ gia đình còn lại giao cho các Cụm, Khối thi đua tổ chức.
Đồng thời, Liên đoàn Lao động TP phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng TP” lần 4 năm 2025 với chăm lo 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia các hoạt động công đoàn; đoàn viên nghiệp đoàn và đoàn viên đang sinh sống tại các khu lưu trú, khu nhà trọ, với kinh phí thực hiện cho chương trình này 9,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngoài các chương trình nổi bật như: chương trình “Tết Sum vầy - Xuân đoàn kết”, chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng TP” nêu trên, Liên đoàn Lao động TP còn tổ chức nhiều chương trình chăm lo thiết thực cho hàng chục ngàn đoàn viên công đoàn và người lao động như: Chương trình “Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên”; Chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với chủ đề: “Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt”; chương trình họp mặt tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn; chương trình thăm, chúc Tết các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các công trình trọng điểm và gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng thiết yếu để phục vụ thị trường Tết
Để kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như hàng gian, hàng giả trong dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP đã chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường với hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ …
Về hoạt động phân phối hàng hóa, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết… Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng 24/7 hoạt động xuyên suốt Tết.
Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Đồng chí Phạm Thành Kiên điều hành chương trình. Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Nhằm chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết thêm, Sở Công Thương đã chủ động kết nối với các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết…, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng gạo, thịt gia súc, rau củ quả và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường; Tăng cường tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân.
Riêng Chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường Tết 2025 với chủ đề "Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương" được tổ chức đồng loạt từ ngày 10/12/2024 đến hết ngày 5/1/2025 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, ứng dụng thanh toán không tiền mặt, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu và trao tặng những “Giỏ quà yêu thương” đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Kết nối tuyến metro số 1 với các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của TP
Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, trong dịp Tết Nguyên Đán, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP như Địa đạo Củ Chi, Hệ thống các Bảo tàng công lập, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Công viên Văn hóa Suối Tiên… có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá phục vụ người dân đến tham quan, vui chơi giải trí. Ngoài ra, khi đặt phòng khách sạn hoặc ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... tại các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn TP, du khách sẽ được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, dịch vụ tặng kèm.
Để tận dụng cơ hội từ việc người dân sử dụng metro, nhằm kết nối các điểm tham quan, du lịch và trải nghiệm văn hóa của TPHCM, đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, với chiều dài 19,7 km và 14 ga, tuyến metro số 1 không chỉ giúp giảm tải giao thông mà còn mang lại cơ hội mới để khám phá TP theo cách tiện lợi và thân thiện với môi trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng thêm nhiều tour tuyến mới với phương tiện vận chuyển mới, kết nối nhiều điểm tham quan trên địa bàn Quận 1 và TP Thủ Đức, tăng trải nghiệm cho du khách, tránh kẹt xe, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí khai thác tour.
Nhằm khai thác tiềm năng của tuyến metro số 1, vừa qua, Sở Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát và hội nghị đánh giá, xây dựng chương trình du lịch gắn với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn thành phố Thủ Đức trước khi tuyến metro số 1 được đưa vào vận hành chính thức. Qua đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng và đưa vào khai thác các tour du lịch về văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghệ thuật, ẩm thực nhằm kết nối tuyến metro số 1 với các địa điểm văn hóa, lịch sử, giải trí, mua sắm hay các công trình biểu tượng của thành phố. Ngoài ra, để tăng tính trải nghiệm cho du khách, các doanh nghiệp lữ hành còn kết hợp nhiều phương tiện giao thông trên cùng một tour như xe buýt 2 tầng, buýt sông, xe điện… để kết nối tuyến metro số 1 với các điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của TP.
Để kết nối tuyến Metro với các điểm tham quan, du lịch đạt hiệu quả hơn, trong thời gian tới, đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, TP cần tăng cường các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện, xe đạp… kết nối từ các ga metro đến các điểm tham quan, du lịch quanh tuyến metro số 1.