Với vai trò thiết yếu của máu trong cuộc sống, việc duy trì lượng máu dự trữ ở mức thích hợp có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng. Cung cấp máu an toàn và đầy đủ là một yêu cầu không thể thiếu.
TPHCM là nơi tiếp nhận máu nhiều nhất cả nước, số lượng máu tiếp nhận có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2016, thành phố vận động 200.433 lượt người hiến máu; năm 2017 là 200.264 lượt người; năm 2018 là 241.634 lượt người; năm 2019 là 246.847 lượt người; năm 2020 là 230.935 lượt người. Tỷ lệ dân số hiến máu hiện khoảng 3,25%.
Theo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, lượng dự trữ máu tại ngân hàng máu tối ưu từ 8.000 đến 10.000 túi máu. Trong những tháng hè hay trước Tết Nguyên đán, lượng máu tiếp nhận giảm do lượng dân cư biến động. Lại có thời điểm nguồn máu dự trữ vượt quá nhu cầu dẫn đến tình trạng “thừa máu”. Việc tiêu hủy máu và các chế phẩm máu hết hạn sử dụng gây lãng phí công sức, chi phí và đặc biệt là lãng phí nguồn máu quý giá được hiến tặng từ những trái tim nhân ái.
Bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, tập huấn về công tác vận động hiến máu tình nguyện cho cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ quận Bình Tân, năm 2020.Thời gian qua, các kênh truyền thông về hiến máu tình nguyện có tác động tích cực đến hoạt động này. Những chiến dịch “Hành trình đỏ”, “Những giọt máu hồng”, “Lễ hội xuân hồng”… được ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp (gọi tắt là ban chỉ đạo) đẩy mạnh truyền thông, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong nhân dân. Hay khi Thư kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng về “Vận động toàn dân hiến máu tình nguyện” (năm 2020) được lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thì hoạt động hiến máu đã thu hút được nhiều người tham gia hơn, dù lúc đó đang xảy ra dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các điểm hiến máu cố định và lưu động được tổ chức dàn trải những ngày trong tuần nên việc đăng ký hiến máu có thể là khó khăn cho những người là cán bộ, công nhân, giáo viên, sinh viên... Công tác quản lý, sử dụng dữ liệu còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, dẫn đến việc phát sinh một số vấn đề chưa công khai, minh bạch trong công tác khen thưởng, tôn vinh người hiến máu. Người hiến máu với tinh thần tự nguyện nên có thể tham gia không thường xuyên (theo điều kiện làm việc, đi lại, sức khỏe…). Chế độ bồi dưỡng, biểu dương người hiến máu và người vận động hiến máu có lúc có nơi còn chưa kịp thời và chưa mang tính động viên cao. Tâm lý và nhận thức của một bộ phận người dân về hiến máu tình nguyện cũng chưa thật đúng đắn và tích cực… Đây là vấn đề luôn được Ban Chỉ đạo quan tâm, nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm phong trào hiến máu tình nguyện bị ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, tình trạng sụt giảm nguồn máu dự trữ thường xuyên xảy ra. Từ giữa tháng 6/2021, khi thành phố tăng cường thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, số người tham gia hiến máu giảm rõ rệt nên kho máu giảm dần từ 10.000 túi máu vào ngày 13/6/2021 xuống 3.300 túi máu (vào ngày 23/7/2021) do các điểm lấy máu lưu động bị hủy. Hiện tại, dự trữ máu chỉ 3.000 - 3.500 túi, số thấp nhất trong 18 tháng qua. Số lượng tiếp nhận chỉ bằng 1/10 lượng máu cung cấp cho 150 bệnh viện trong và ngoài thành phố, kể cả các bệnh viện đang điều trị Covid-19.
Giao lưu với những người hiến máu tiêu biểu TPHCM năm 2020.Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, từ ngày 1/5 đến 29/7/2021, Trung tâm đã tiếp nhận được 24.195 đơn vị máu, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 19.555 đơn vị. Trong đó, tháng 7/2021, lịch đăng ký dự kiến khoảng 18.000, thực tế chỉ tiếp nhận được 2.618 đơn vị. Tháng 8/2021, lịch đăng ký là 17.480 nhưng chỉ tiếp nhận gần 3.000 đơn vị.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm đã sử dụng Fanpage để thông tin kịp thời lịch hiến máu, thực hiện nhiều cách thức tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương hiến máu tiêu biểu và thông tin nhiều nội dung liên quan đến công tác hiến máu… Đồng thời, Trung tâm tạo các mã QR Code để cung cấp người đăng ký hiến máu nhằm tiện đi lại trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tình thế.
Theo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, thời gian qua, nhóm máu hiếm Rh- với tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng thời gian qua đã được thành lập và quản lý như một ngân hàng máu sống. Khi có tình huống khẩn cấp sẽ được huy động trực tiếp hỗ trợ cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Hiện nay, nhóm kết nối và điều phối thông tin qua phần mềm quản lý của Trung tâm và mạng xã hội Zalo, Facebook. Từ đây, vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để công tác vận động người có nhóm máu hiếm không bị giới hạn, có thể góp phần phát huy sự chủ động trong công tác vận động hiến máu, quản lý, điều phối máu, từ đó có thể ứng cứu bệnh nhân một cách kịp thời.
Được sự quan tâm của UBND TPHCM, sau một năm nghiên cứu, xây dựng dự án, vào ngày 31/8/2021, Hội Chữ thập đỏ TPHCM (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thành phố) đã phối hợp với Hội Tin học thành phố (HCA) triển khai Dự án “Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý hiến máu tình nguyện và đảm bảo an toàn truyền máu tại TPHCM”, gọi tắt là Dự án Giọt máu vàng - giotmauvang.org.vn nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Dự án Giọt máu vàng - giotmauvang.org.vn vừa ra mắt ngày 31/8/2021.Với vai trò cố vấn công nghệ, giải pháp và phối hợp triển khai, HCA đã tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ trong công tác hiến máu tình nguyện và sử dụng máu lâm sàng; đồng thời phát triển ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực vận hành, quản lý của Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố. Ứng dụng này được chạy trên nhiều môi trường web app, mobile app với cả AppStore và CHPlay. Ngoài ra, còn ứng dụng công nghệ xác định danh tính người dùng eKYC (định danh điện tử) bằng căn cước công dân, trí tuệ nhân tạo (AI). Việc tập trung vào số hóa quy trình - liên thông dữ liệu giữa ngân hàng máu với công tác vận động hiến máu tình nguyện giúp hợp lý hóa và tăng hiệu quả, đảm bảo an toàn truyền máu cũng như quản lý quyền lợi người hiến máu.
Đây là giải pháp tạo điều kiện để người hiến máu chủ động đăng ký và tham gia hiến máu, đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu máu – thừa máu tại ngân hàng máu, đảm bảo tính khoa học trong quy trình tiếp nhận, điều chế, lưu trữ và phân phối nguồn máu đến các bệnh viện trong và ngoài thành phố.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố sẽ triển khai và tổ chức tập huấn đến đội ngũ cán bộ cơ sở để nắm rõ quy trình, khai thác ứng dụng một cách triệt để.
Lãnh đạo UBND TPHCM đã đánh giá cao tính linh hoạt của các đơn vị trong việc tìm ra giải pháp thích hợp giải quyết các hạn chế tồn tại trong phong trào hiến máu tình nguyện cũng như tình trạng “khủng hoảng nguồn máu” hiện nay. “Ứng dụng này rất có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Đây sẽ là dấu ấn lớn và là sự đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, nhận định.