Hội thảo được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp tại Trường ĐH Luật TPHCM và trực tuyến thông qua phần mềm Zoom (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/1, Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự, thương mại” với hình thức trực tiếp tại cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến qua phần mềm Zoom.
Xuất phát từ sự phức tạp của các quan hệ lao động hiện nay, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã có những quy định mới điều chỉnh đối với những người làm việckhông có quan hệ lao động. Một số quan hệ xã hội có yếu tố lao động theo các dự án hoặc công việc cụ thể, làm việc trực tuyến hoặc làm việc theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp công nghệ số có xu hướng gia tăng, kéo theo đó là những vấn đề pháp lý phức tạp phát sinh, có sự đan xen giữa pháp luật lao động, pháp luật dân sự và cả pháp luật thương mại. Vì vậy, việc nhận diện các vấn đề pháp lý có yếu tố lao động hiện nay là rất cần thiết cả khía cạnh lý luận và thực tiễn.
Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng lao động, nhìn từ góc độ những dấu hiệu đặc trưng của quan hệ lao động, nhóm tác giả ThS Đặng Thái Bình và ThS Lê Ngọc Anh (Trường ĐH Luật TPHCM) đã chỉ ra những bất cập trong thực tiễn về việc không phân biệt được bản chất của hợp đồng lao động và hợp đồng dân sự, đồng thời đưa ra một số kiến nghị liên quan.
“Thực tiễn hiện nay trong các quan hệ có yếu tố lao động thường xảy ra một số trường hợp, các bên không thể hiện rõ bản chất của hợp đồng hợp đồng lao động hay các loại hợp đồng dân sự thông thường khác. Thực trạng này xảy ra chủ yếu xuất phát từ phía người sử dụng lao động từ ý muốn chủ quan của họ nhằm mục đích hướng tới việc áp dụng các quy định pháp luật dân sự vào điều chỉnh các quan hệ có yếu tố lao động này để có lợi hơn cho họ”, ThS. Đặng Thái Bình phân tích.
Nhóm tác giả cho rằng BLLĐ năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng để có thể dễ dàng xác định được đâu là hợp đồng lao động, có sự phân loại với những tiêu chí rõ ràng về nhà thầu độc lập - nhà thầu phụ thuộc, quy định rõ ràng hơn về tiêu chí, chế tài cụ thể nhằm hạn chế sử dụng những người tự doanh không thật, hoặc sử dụng những dạng hợp đồng dân sự - thương mại nhằm che dấu quan hệ lao động.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, thẳng thắn Theo TS Nguyễn Bình An, Khoa Luật – Trường ĐH Bình Dương, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, các loại hình lao động trở nên đa dạng và tạo ra những thách thức mới đối với khuôn khổ pháp luật lao động hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới. Việc nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động trong doanh nghiệp không chỉ phản ánh một thực tiễn cấp thiết và sinh động từ nền kinh tế đa dạng toàn cầu, mà còn đốc thúc những nhà kiến tạo chính sách, nhà làm luật phải nhanh chóng đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho tất cả những người đang làm việc mặc dù có hoặc không có hợp đồng lao động nhằm hướng tới công việc bền vững trong mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.
Tại hội thảo, TS An đã đề cập và làm rõ các tiêu chí nhận diện người lao động và “người làm việc không có quan hệ lao động” trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, các quốc gia Châu Âu… và của Việt Nam với một số điều khoản liên quan được quy định tại BLLĐ năm 2019.
Với hướng đi xuất phát từ những phân tích về hợp đồng có yếu tố lao động cho đến định nghĩa về tranh chấp hợp đồng lao động, ThS Phạm Thị Thúy, Trường ĐH Luật TPHCMđã đưa ra những nghiên cứu về thẩm quyền, cách thức để Tòa án, Hội đồng trọng tài giải quyết khi phát sinh tranh chấp để làm rõ các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động tại Tòa án.
Góp ý nội dung này, TS Nguyễn Hải An - Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra II, TAND Tối cao đã đưa ra một số quan điểm vềvấn đề hợp đồng ủy quyền phát sinh trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghệ 4.0, điển hình là xe ôm công nghệ.Cũng tại Hội thảo, ThS Châu Kim Anh - Thẩm phán, Phó Chánh Tòa Dân sự, TAND TPHCM chia sẻ thêm về những vụ án thực tiễn nhằm làm rõ hơn các vấn đề xoay quanh hợp đồng lao động, an toàn lao động.
Với nhiều ý kiến đóng góp và trao đổi thẳng thắn của các học giả, nhà nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, Hội thảo đã góp phần vào việc cải cách tư pháp tại Việt Nam trong thời cuộc công nghệ số hóa hiện nay, với nhiều chuyển biến về lĩnh vực dân sự - thương mại.