Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Kỷ niệm 70 năm ngày mất Trung tướng Nguyễn Bình (29/9/1951 – 29/9/2021):

Nguyễn Bình: Vị tướng tài năng, thao lược

Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951). Ảnh chụp năm 1950 tại Đồng Tháp Mười. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/9/1951, trên đường ra Bắc theo lệnh của Trung ương, đến đất Campuchia, Trung tướng Nguyễn Bình đã bị địch phục kích và hy sinh ở tuổi 43. Một trong những công lao ghi dấu ấn của ông là đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách vào Nam để thống nhất các lực lượng vũ trang sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta.

Máu quân sự từ trong huyết quản

Nhà văn Nguyên Hùng trong sách “Nam bộ - Những nhân vật một thời vang bóng” cho biết Nguyễn Bình là người quê Kẻ Sặt, Hưng Yên, nhưng từ lúc trẻ ông đã lưu lạc giang hồ vô Sài Gòn, làm quen với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương, kết thân với nhà báo Trần Huy Liệu, gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, tham gia hoạt động cách mạng, bị đày ra Côn Đảo và chỉ được thả khi Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền năm 1936 nhưng bị trả về nguyên quán…

Nhà văn Sơn Vương trong một tác phẩm của mình đã kể về những năm tháng ông lăn lộn kiếm sống ở lề đường Sài Gòn và kết thân với “người bạn Bắc” chính là Nguyễn Phương Thảo - Trung tướng Nguyễn Bình sau này. Nguyễn Bình gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng từ tuổi 20, để rồi cùng với một nhà cách mạng khác là Trần Huy Liệu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Ở đây, cả hai đã chuyển hướng theo con đường cách mạng vô sản vì nhận thấy “Cộng sản là phong trào quốc tế, còn Quốc dân Đảng nằm trong phạm vi quốc gia. Xu thế cách mạng hiện nay mở rộng ra các nước bên ngoài tìm đồng minh để có thêm sức mạnh chống đế quốc thực dân”. Vì sự chuyển hướng này mà hai người đã bị các đồng chí trong tổ chức thanh trừng; nhờ có chuẩn bị trước nên cả hai thoát chết nhưng Nguyễn Bình bị mất một con mắt.

Sau này, để tránh sự truy đuổi của mật thám Pháp, Nguyễn Phương Thảo đã đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa “bình thiên hạ”. Năm 1945, ông lập đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều (Quảng Ninh) rồi chính thức thành lập Chiến khu Đông Triều (sau này là chiến khu Trần Hưng Đạo). Hội nghị quân sự Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến 20/4/1945 quyết định chia cả nước thành 7 quân khu, Bắc bộ có 4 quân khu (Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo) hay còn gọi là Đệ tứ Quân khu, Nguyễn Bình đã được tiến cử làm “thủ lĩnh” Đệ tứ Quân khu. Người đồng chí của ông là nhà sử học Trần Huy Liệu nhận xét: "Thảo có can đảm, vũ dũng hơn người và trung hậu với bạn, trung thành với đoàn thể. Trước Cách mạng tháng Tám, Thảo lập chiến khu Đông Triều một cách tự động...".

Thống nhất các lực lượng quân sự Nam bộ

Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lượt, Nam bộ đầy rối ren, phức tạp. Các đảng phái chính trị, các nhóm vũ trang tự phát mọc lên như nấm, trong đó có nhiều tổ chức bị giật giây, lợi dụng và trở nên phản động. Cùng với việc mở rộng chính phủ Nam kỳ tự trị do Lê Văn Hoạch đứng đầu, thực dân Pháp đã mua chuộc, lôi kéo các nhóm phản động trong Cao Đài, Hòa Hảo, lực lượng Bình Xuyên, người Khmer, người Hoa theo Quốc dân Đảng… Theo sách “Lịch sử Nam bộ kháng chiến (1945 - 1975)”, riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn khi đó có nhiều tổ chức phản động như: Thanh niên Bảo quốc đoàn, Liên hiệp Thanh niên nghĩa dõng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Mặt trận Nhân dân Nam phần, Tân Việt Nam, Nhóm Tinh thần, Xã hội Công giáo, Thanh niên Ái quốc đoàn, Việt đoàn… Ngoài ra, thực dân Pháp tăng cường bắt thanh niên Việt Nam vào lính nhằm thực hiện “dùng người Việt đánh người Việt”.

Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu Nguyễn Bình về Hà Nội và giao ông nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ. Ngày 10/12/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng quyết định thành lập các khu. Theo đó, Khu 7 ra đời gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Bộ Chỉ huy khu gồm Khu bộ trưởng Nguyễn Bình, Chủ nhiệm Chính trị bộ Trần Xuân Độ và Khu bộ phó Dương Văn Dương.

Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ, thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội trực thuộc chính quyền các cấp. Ở Nam bộ, tháng 12/1947 thành lập Ban Quân sự Nam bộ do Nguyễn Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây) phụ trách. Tháng 10/1948, bãi bỏ Ban Quân sự, thành lập Bộ Tư lệnh Nam bộ do các ông Nguyễn Bình làm Tư lệnh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị Ủy viên. Phòng Dân quân Nam bộ được thành lập do ông Lê Duẩn làm Trưởng phòng. Ngày 25/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 115/SL phong Trung tướng cho Nguyễn Bình và ông trở thành vị trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được cử chính thức làm Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên Quân sự Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ.

Hai năm 1947 - 1948 đánh dấu sự phát triển cao của phong trào kháng chiến ở Nam bộ, lực lượng vũ trang được tổ chức, chỉ huy thống nhất, quy củ. Chế độ chính trị viên được thiết lập đến cấp trung đội, các tổ chức đảng được hình thành đến đại đội, trung đội bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và nâng cao kỷ luật quân đội được coi trọng.

Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp (bên phải), Nguyễn Bình (giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam chỉ huy lực lượng vũ trang chống Pháp (cuối năm 1945). (Ảnh tư liệu). Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp (bên phải), Nguyễn Bình (giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam chỉ huy lực lượng vũ trang chống Pháp (cuối năm 1945). (Ảnh tư liệu).

Bản lĩnh Nguyễn Bình

Nam bộ những ngày đầu của cuộc kháng Pháp là nơi tập trung của những người tự chiêu binh mãi mã, đó là những Ba Dương, Bảy Viễn, Mười Trí, Tư Thược, Ba Nhỏ, Hoàng Thọ... có tính cát cứ và tệ hơn nữa là “cá lớn nuốt cá bé”, làm càn, giết người bừa bãi. Ba Nhỏ, nhóm Bảy Viễn (Bình Xuyên) là những điển hình. Thậm chí Ba Nhỏ ở miền Đông thích giết ai liền đổ tội là “Việt gian”. Nhà báo Nam Đình, cựu Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim, đã viết trong hồi ký của mình rằng, kể từ khi Nguyễn Bình vào Nam và với uy danh lẫy lừng của ông thì “Ba Nhỏ ở miền Đông đã không còn tự ý chém đầu các “Việt gian” dễ dàng như trước nữa”. Nhà báo Nam Đình cũng cho biết kể từ khi Nguyễn Bình đứng ra quy tụ các cấp chỉ huy quân sự tại rừng Tân Uyên khoảng tháng 2/1946, việc kháng chiến “có trật tự có kỷ luật, thống nhứt lực lượng, thống nhứt chỉ huy, trên dưới một lòng…, từ đó quân đội viễn chinh (tức quân đội Pháp - NV) mới hết… “đánh mau thắng mau” như trước nữa”. Sau này, chính Ba Nhỏ cũng bị Nguyễn Bình đưa ra tòa án quân sự tại Tân Uyên xử và bị tuyên án tử hình.

Đó là vụ xử án chấn động Nam bộ khi ấy. Theo Nam Đình, sau khi kết án Ba Nhỏ, Nguyễn Bình đã rút súng lục của mình đưa cho Ba Nhỏ và bình thản nói: “Tội đồng chí đã phân minh. Một tội cũng đủ án tử hình, huống hồ đôi ba chục tội? Đồng chí còn nhỏ, máu anh hùng làm sao khỏi sôi trong huyết quản? Vậy, đây là khẩu súng. Đồng chí tự xưng là anh hùng thì tôi tin chắc cái chết của đồng chí cũng anh hùng vậy. Đồng chí hãy tự xử lấy”. Biết bao con mắt đổ dồn về Nguyễn Bình, về Ba Nhỏ. Người ta dự đoán rằng chắc súng không đạn, rằng có thể Ba Nhỏ sẽ bắn chết Nguyễn Bình rồi mới bắn mình sau… Thế rồi, Ba Nhỏ cầm lấy khẩu súng, đưa khẩu súng ngang đầu mình. Một tiếng nổ, Ba Nhỏ ngã lăn ra chết. Nam Đình kết luận: “Cái chết của Ba Nhỏ không ai để ý bằng tư cách trầm tĩnh của Nguyễn Bình… Từ đây tên tuổi Nguyễn Bình ngày một lên cao”. Sau đó, bằng nhiều các biện pháp khéo léo khác nhau, Nguyễn Bình đã dần thanh trừng các nhóm vũ trang cát cứ, coi dân như cỏ rác”.

Nhà văn Nguyên Hùng đã giải thích về quyết định cử Nguyễn Bình vào Nam bộ là bởi Hồ Chí Minh biết dân “anh chị” trong Nam chỉ phục những kẻ hảo hớn hơn mình. “Thống nhất lực lượng các tay trời gầm trong Nam, ai làm được? Vậy mà Ba Bình làm được. Nhờ đâu? Tài, đức? Cố nhiên phải có hai yếu tố đó, nhưng quan trọng hơn hết là nhờ tác phong anh hùng mã thượng, phải "hợp jeu" (hợp gu) và phải "trên queue" (trên cơ) thì mới thu phục được nhóm Bình Xuyên của Ba Dương, Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí, Mười Lực, Bảy Môn…”.

Thượng tướng Trần Văn Trà trong sách “Gởi người đang sống” cho biết, “nhờ có những đơn vị chủ lực lại có sự củng cố phát triển các lực lượng địa phương và dân quân du kích nên có được những trận đánh thắng lợi lớn có tiếng vang…”. Đóng góp đó có công rất lớn của Trung tướng Nguyễn Bình.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo