Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Nghiên cứu về đặc trưng và giá trị văn hóa vùng Tây Nam bộ

Trình diễn âm nhạc Khmer Nam bộ

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 24/12, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Văn hóa Tây Nam bộ - Đặc trưng và giá trị”, với sự tham gia của các sở, ban ngành, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong cả nước. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đào tạo cùng nhau trao đổi, chia sẻ những quan điểm học thuật về văn hóa Tây Nam bộ - vùng đất cực Nam của Tổ quốc với những đặc trưng và giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Hiện nay Tây Nam bộ là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó, chủ yếu vẫn là bốn dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Kinh chiếm 92,4% (với trên 17.000 người), các dân tộc khác chiếm 7,6% dân số toàn vùng. Các di dân đến vùng đất Tây Nam bộ vào những thời điểm, thuộc nhiều thành phần, xuất thân khác nhau. Chính vì vậy, Tây Nam bộ là vùng đa văn hóa, là nơi hội tụ của nhiều dân tộc.

Về kinh tế, Tây Nam bộ là vùng đồng bằng với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, Tây Nam bộ có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và du lịch. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Bên cạnh đó, vùng còn đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Về văn hóa, với những đặc trưng về thời gian, không gian và chủ thể văn hóa, trong sự so sánh với các vùng văn hóa khác, Tây Nam bộ có đầy đủ các yếu tố của một vùng văn hóa. Đây là một vùng văn hóa vừa riêng biệt vừa thống nhất trong đa dạng so với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhấn mạnh, hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Tây Nam bộ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần có tầm nhìn mới, giải pháp mới, nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn đặc trưng, giá trị văn hóa vùng Tây Nam bộ, đặc biệt là các vấn đề: Xác định đặc trưng, giá trị của vùng văn hóa Tây Nam bộ dựa trên các cơ sở, các thành tựu mới của khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; xác định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới; vai trò của văn hóa trong việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ; bài học kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong việc phát huy vai trò tích cực của văn hóa đến sự phát triển bền vững vùng. Bên cạnh đó, hội thảo ghi nhận nhiều nghiên cứu, phân tích về những tác động của biến đổi khí hậu đến văn hóa Tây Nam bộ; kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu và giảng dạy về đặc trưng; việc xây dựng và thực hiện các chính sách văn hóa phát huy sức mạnh nền văn hóa và chân dung, tác phẩm, công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn hóa Tây Nam bộ,…

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo