Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ đổi mới

PGS.TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/11, tại TPHCM, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ đổi mới - Thực trạng và giải pháp". PGS.TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo.

Tìm giải pháp mới trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là một trong những vấn đề nổi cộm và gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm xói mòn các giá trị đạo đức và văn hóa, là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn trong xã hội.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn sâu rộng và tinh thần cách mạng cao cả, từ rất sớm đã nhận thức rõ sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực đối với sự nghiệp cách mạng và sự tồn vong của chế độ. Tư tưởng của Người về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một di sản quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó không chỉ là những nguyên tắc, quan điểm, mà còn là những chỉ dẫn cụ thể về cách thức phòng ngừa, đấu tranh, và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước” - PGS.TS Lưu Văn Quảng bày tỏ.

Quang cảnh Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ đổi mới - Thực trạng và giải pháp". Quang cảnh Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời kỳ đổi mới - Thực trạng và giải pháp".

Cũng theo PGS.TS Lưu Văn Quảng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Các biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Trước tình hình đó, việc tiến hành nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Chúng ta cần nhận thức rằng, cuộc đấu tranh này không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan, tổ chức nào, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh mới sẽ giúp chúng ta giữ vững niềm tin của nhân dân, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước" - PGS.TS Lưu Văn Quảng nhấn mạnh và cho rằng, hội thảo không chỉ là dịp để nghiên cứu sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá và tìm ra những giải pháp mới trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM phát biểu tại hội thảo. TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Xây dựng văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng

Tại hội thảo khoa học, các tham luận, phát biểu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các cán bộ quản lý và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung làm rõ những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về tham nhũng, tiêu cực, vai trò của phòng, chống tham nhũng trong sự nghiệp cách mạng; phân tích các nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng như: đề cao vai trò của nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, tăng cường kiểm soát quyền lực và xây dựng pháp luật nghiêm minh. Đặc biệt, nhiều giải pháp được nêu ra là cần vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay; những thách thức mới trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một hệ thống những quan điểm sâu sắc về tác hại nguy hiểm, nguồn gốc nảy sinh của tệ tham nhũng, tiêu cực; về phương pháp và lực lượng đấu tranh phòng, chống. Đảng ta đã nhận thức về nguy cơ nghiêm trọng của tham nhũng, tiêu cực từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới cho đến hiện nay. Việc phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được xác định là trọng tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; muốn trị tận gốc của tham nhũng cần phải phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo. TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.

TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an, nhấn mạnh đến những bài nói và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những “căn bệnh” mà người cán bộ, đảng viên cần tránh xa, đó là: Bệnh hẹp hòi, quân phiệt, quan liêu, ích kỷ, hủ hóa, kiêu ngạo, “kéo bè kéo cánh”, “chủ nghĩa địa phương”, “làm việc bàn giấy”, “ham chuộng hình thức”…, đặc biệt là căn bệnh “ham muốn về vật chất”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người ta sinh ra ai cũng muốn ăn no, mặc đẹp, ai cũng muốn giàu sang, phú quý. Nhưng tất cả những thứ đó rồi sẽ mất đi, chỉ có tiếng xấu là để lại muôn đời. Vì vậy, người cách mạng chớ để cho ham muốn vật chất tầm thường làm cho mình sa ngã. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một loạt căn bệnh mang tính dự báo lâu dài mà tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự; và muốn thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay thì mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tránh xa những căn bệnh nguy hiểm mà Hồ Chí Minh từng chỉ rõ.

Với tham luận “Xây dựng văn hoá liêm chính để phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và kinh nghiệm quốc tế”, GS.TS Vũ Công Giao cho rằng, xây dựng văn hóa liêm chính sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bởi vì văn hoá liêm chính và công tác phòng, chống tham nhũng có mối quan hệ gắn kết, bổ trợ cho nhau. Để giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng, cần xây dựng văn hoá liêm chính. Đồng thời, việc xây dựng văn hoá liêm chính chính là một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay, và ở chiều ngược lại, việc chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên về bản chất cũng chính là quá trình xây dựng văn hóa liêm chính.

“Với tính chất là một giá trị đạo đức, văn hóa liêm chính là yếu tố cốt lõi để hiện thực hóa một trong bốn mục tiêu (“Bốn không”) trong phòng, chống tham nhũng, đó là “Không muốn tham nhũng” - GS.TS Vũ Công Giao nhấn mạnh.

Mai Trần


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo