Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Nghiên cứu gia hạn thời hạn dài hơn đối với những loại thuốc đã có tính ổn định và đảm bảo chất lượng

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Khuyến khích chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có hành lang pháp lý trong chuyển giao các quy trình sản xuất thuốc như sở hữu trí tuệ, công thức, công nghệ, quy trình, kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở công lập là tài sản của nhà nước… Bên cạnh đó, cần quy định rõ về việc người hướng dẫn thực hành Dược…

Góp ý về thuốc, nhiều đại biểu đề nghị cần công bố, công bố lại mặt hàng thuốc chưa có, mặt hành thuốc tương tự lưu hành tại Việt Nam và có mức giá công bố, công bố lại cao hơn giá bán tại nước xuất xứ hoặc các nước khác, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động của các yếu tố hình thành giá.

Góp ý về oxy y tế, Dược sĩ Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM cho biết, dự thảo Luật Dược hiện không còn nội dung về oxy y tế. Trước đây, oxy y tế nằm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, nhưng sau đó các quy định về trang thiết bị lại không còn quy định về oxy y tế.

Dược sĩ Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM góp ý dự án luật Dược sĩ Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM góp ý dự án luật

Theo Dược sĩ Lê Ngọc Danh, hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn trong việc mua sắm oxy y tế. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới xem oxy y tế thuộc danh mục thuốc thiết yếu. Do vậy, đại biểu Lê Ngọc Danh đề xuất Luật Dược làm rõ nội dung này hoặc có điều khoản riêng cho oxy y tế trong dự thảo Luật Dược.

Trao đổi thêm về vấn đề oxy y tế, Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, oxy y tế đóng vai trò thiết yếu trong các bệnh viện. Tuy nhiên, dự thảo Luật Dược đã loại bỏ nội dung về oxy y tế trong khi oxy y tế nằm trong danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế được thanh toán. Do vậy, cần phải làm rõ oxy y tế nằm trong Luật Dược sửa đổi bổ sung hay bị bỏ ra ngoài. Nếu bỏ ra ngoài, oxy y tế không nằm trong quy định nào khác và sẽ không thanh toán được bảo hiểm y tế. Do vậy, rất cần phải có điều khoản riêng cho oxy y tế.

Một số ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung về loại hình kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc. Đây là một loại hình kinh doanh hết sức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng thuốc được kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, lưu thông, phân phối và sử dụng. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp vận chuyển thuốc tự phát nên chưa đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình vận chuyển và tiềm ẩn nguy cơ thuốc không rõ nguồn gốc đi vào chuỗi cung ứng.

Quản lý thuốc vẫn còn nhiều khó khăn

Góp ý về lĩnh vực cấp số đăng ký thuốc, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi quy định số đăng ký thuốc có giá trị 5 năm (hoặc 3 năm). Như vậy, thuốc phải được gia hạn nhiều lần. Mặc dù thủ tục gia hạn đơn giản nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Do đó, cần thiết nghiên cứu gia hạn tự động hoặc hiệu lực số đăng ký với thời hạn dài hơn nhất là những thuốc đã có tính ổn định và đảm bảo chất lượng.

Liên quan số đăng ký thuốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, hiện nay, số đăng ký được cấp phép quá nhiều và trùng lặp lớn. Đơn cử như mặt hàng paracetamol hàm lượng 500mg có rất nhiều công ty sản xuất và trải giá rất rộng, từ hơn một trăm đồng đến vài ngàn đồng/viên. Do đó, cần có biện pháp hạn chế cấp số đăng ký mới với các loại thuốc trùng lặp vì gây khó khăn cho các đơn vị trong công tác chấm thầu.

Góp ý về cung ứng, chế biến, bào chế và sử dụng thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu cũng cho rằng, thuốc cổ truyền do bệnh viện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuyến tỉnh trở lên chế biến, bào chế được bán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền khác trong cùng địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương để điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở đó. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn về việc bán thuốc này do việc mua thuốc của các bệnh viện phải qua đấu thầu mua sắm.

BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho rằng, các bệnh viện y học cổ truyền còn gặp một rào cản rất lớn khác ở quy định "dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất trong nước phải đạt thực hành tốt nuôi trồng và thu hái". Tại Việt Nam, phần lớn thuốc Nam do nông dân trồng nên rất khó đạt tiêu chí thực hành tốt như quy định. Đơn cử với mặt hàng dược liệu rau má, Viện Y dược học dân tộc TPHCM đang rất khó mua vì vướng quy định nguồn gốc xuất xứ, trong khi đây chỉ là một loại nông sản. BS Trương Thị Ngọc Lan đề xuất, dự thảo luật cần thay đổi thành “đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu hoặc đạt chất lượng theo dược điển” và có các cơ sở kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng dược liệu.

Phát biểu kết luận, đồng chí Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị thẩm tra và chủ trì biên soạn cũng như các Đại biểu Quốc hội của TPHCM tiến hành thảo luận. Dự kiến, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo