Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến - Người chiến sĩ văn công giải phóng gương mẫu

Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến với tác phẩm múa “Người mẹ cầm súng”. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) – Thế hệ nghệ sĩ ngày nay nhiều người vẫn luôn nhớ đến Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến như một tấm gương sáng trong nghề nghiệp và đạo đức. Cũng nhờ tấm gương sáng của bà mà một thế hệ nghệ sĩ trẻ không biết gì về chiến tranh hôm nay luôn biết trân trọng những người nghệ sĩ, chiến sĩ trong chiến tranh…

Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Năm 1962, khi mới 13 tuổi bà đã tham gia làm giao liên tại Huyện ủy Gò Môn. Dáng người nhỏ nhắn, hàng ngày bà vượt đường, băng rừng thoăn thoắt để làm tròn nhiệm vụ các cô, chú lãnh đạo giao cho. Những lúc có đoàn biểu diễn của Văn công giải phóng đến địa bàn bà háo hức đi xem. Người thủ trưởng của bà phát hiện ra bà có năng khiếu nghệ thuật nên năm 1964, bà được gửi vào Đoàn Văn công T4 đóng tại Củ Chi. Từ đó, bà trở thành người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Là người trẻ, nhanh nhẹn nên bà được tham gia Đội Du kích. Ngoài việc biểu diễn còn có nhiệm vụ bảo vệ đơn vị. Khi đó Đoàn Văn công T4 đi biểu diễn khắp các chiến trường miền Nam, từ Củ Chi, Long An, công trường 7, công trường 9, biên giới Campuchia... Bà cùng các đồng đội cứ băng rừng ngày đêm để đến điểm diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh, hoặc sau trận đánh để động viên khích lệ tinh thần chiến sĩ xông lên chiến thắng quân thù. 

Năm 1964, bà được cử đi R để tập huấn, sau tập huấn bà được giữ lại bổ sung cho Đoàn Văn công Giải phóng. Năm 1965 một số nghệ sĩ miền Bắc được lệnh vượt Trường Sơn để vào Nam xây dựng lực lượng văn nghệ sĩ trong đó có Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly phát hiện ra bà có năng khiếu đặt biệt về múa nên ông đã đào tạo bà thành diễn viên chuyên múa. Và tác phẩm múa “Người Mẹ cầm súng” do bà thể hiện vang dội một thời khi hình ảnh hóa thân của bà làm toát lên được vẻ đẹp kiên cường của người Mẹ Việt Nam, từng ánh mắt, từng cử động hình thể của bà làm ai xem cũng khắc khoải và tự hào về một người mẹ nhân từ, yêu đất nước, yêu gia đình, yêu con nhưng phải đứng lên cầm súng và kiên quyết đương đầu với kẻ thù hung bạo để đấu tranh giành lại đất nước, giành lại quê hương, mang khát vọng hòa bình, độc lập. Hình ảnh đó cũng làm cho các bà Mẹ cách mạng lúc đó rất đỗi tự hào.

Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến kể lại: Tôi không thể nào quên được những ngày đói rau, khát nước trong rừng cùng anh em, đồng chí, đồng đội chia nhau từng ngụm nước, hái lá rừng làm rau ăn qua cơn đói. Những lần đang biểu diễn bị địch tấn công, bà và một số anh chị du kích trong đoàn vừa chạy nấp, vừa trực tiếp cùng lực lượng bộ đội địa phương chiến đấu để bảo vệ đồng đội, bảo vệ đơn vị. Những lần chui xuống hầm ở địa đạo Củ Chi để phục vụ cho thương binh nhìn các chiến sĩ với các vết thương đau nhứt nhưng khi nghe tiếng nhạc, lời ca tiếng hát, điệu múa mắt họ lại ánh lên tràn hy vọng. Cũng không ít lần bà hay tin đồng đội đang biểu diễn thì bị địch tấn công hy sinh, bị bắt tra tấn và sát hại dã man, lòng đau như cắt nhưng bà và các đồng chí trong đơn vị không nao núng, luôn nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ”…

NSƯT Phi Yến tham gia chuyến đi về nguồn cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. NSƯT Phi Yến tham gia chuyến đi về nguồn cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Năm 1973, bà Phi Yến cùng một số đồng chí trong đoàn đi ròng rã 1 tháng vượt Trường Sơn ra Bắc để đại diện cho đoàn nghệ thuật của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sang Nga và Trung Quốc biểu diễn phục vụ ngoại giao. Sau khi về nước, bà được lệnh về miền Nam để chuẩn bị cho giải phóng, nhưng lúc đó tình hình ác liệt nên bà phải ở lại miền Bắc. Sau ngày 30/4/1975, bà trở lại miền Nam bắt đầu học và giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM, sau đó là Hiệu phó Trường Trung cấp Múa. Năm 1997, bà làm Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen. Trong thời gian giảng dạy và công tác tại đây, Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến đã đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ tài danh. Điều đặc biệt khi nhắc đến bà không đơn thuần là một người thầy mà đối với nhiều lớp nghệ sĩ Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến được xem như người mẹ với tên gọi thân thương “Má Yến”. Vì không chỉ truyền nghề mà với tư cách và tấm lòng một người chiến sĩ đã vào sinh ra tử, Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến luôn trân trọng và thương yêu những người đồng chí, đồng đội và cả những người học trò của mình, dành hết tâm huyết và tình cảm cho thế hệ mai sau…

Thương nhớ đồng đội của mình còn đâu đó trong rừng nên Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến đã lập Bia Văn công giải phóng để tưởng nhớ đồng đội tại nhà riêng tại Quận 12. Bà dành hẳn ngôi nhà chỉ để thờ cúng những người thầy, đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh trong thời gian ở R. Từ đó, hàng năm Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến đều tổ chức cúng hương linh liệt sĩ Văn Công giải phóng vào Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; và đây cũng là nơi nhiều nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến hội tụ về để ôn lại kỷ niệm, truyền thống và truyền cho lớp văn nghệ sĩ trẻ biết đến cội nguồn của một lớp văn nghệ sĩ trong chiến tranh đã vào sinh ra tử để bảo vệ tổ quốc.

Đến tuổi nghỉ hưu, Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến vẫn tiếp tục đóng góp cho công tác của Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Múa trong 4 nhiệm kỳ với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ và Phó Chủ tịch Thường trực. Dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng bằng tâm huyết với những đồng đội đã ngã xuống, hiện nay Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến vẫn luôn cố gắng đóng góp sức mình khi còn có thể. Ngoài việc chăm lo công tác Hội, chăm lo hội viên nghèo, giữ mối liên lạc với các nghệ sĩ trong Đoàn Văn công Giải phóng, Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến còn là người có tình thương bao la khi sẵn sàng đem số tiền hàng tỉ đồng của mình để tặng cho đồng đội khó khăn. Bà tâm sự: Cả đời tôi, gia đình tôi chỉ một lòng theo Đảng, theo cách mạng, theo Bác Hồ, vì vậy việc tôi làm là theo Đảng và nghe lời dạy của Bác Hồ giáo huấn, đó là đạo đức là thói quen và là nghĩa tình đồng đội chứ không phải việc gì cao siêu.

Chính những tâm sự mộc mạc như vậy mà thế hệ nghệ sĩ ngày nay nhiều người vẫn luôn nhớ đến Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến như một tấm gương sáng trong nghề nghiệp và đạo đức, cũng nhờ tấm gương sáng của bà mà một thế hệ nghệ sĩ trẻ không biết gì về chiến tranh hôm nay luôn trân trọng những người nghệ sĩ, chiến sĩ trong chiến tranh – Đó là Nghệ sĩ ưu tú Phi Yến - Người nghệ sĩ Văn công Giải phóng.

Mai Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo