(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 5/9, UBND Quận 12 đã thông tin về kết quả xử lý vụ việc liên quan Mái ấm Hoa Hồng, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12.
Theo UBND Quận 12, ngày 4/9, Báo Thanh Niên đăng bài viết về “Tội ác trong một mái ấm”, phản ánh tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12.
Ngay sau khi tiếp nhận bài viết của Báo Thanh Niên, UBND Quận 12 đã thành lập Tổ công tác trực tiếp kiểm tra xử lý vụ việc. Tại thời điểm kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng đang có mặt 86 trẻ, trong đó có 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại trường Mầm Non Sóc Bông; 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.
Theo UBND Quận 12, Mái ấm Hoa Hồng có quy mô cho phép tiếp nhận chăm sóc tối đa 39 trẻ, tuy nhiên, Mái ấm Hoa Hồng đã vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc là 86 trẻ (vượt 47 trẻ).
Qua rà soát, từ thời điểm thành lập Mái ấm Hoa Hồng đến nay, UBND Quận 12 đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần (tháng 11/2023 và tháng 4/2024).
Ủy ban MTTQ Việt Nam quận thực hiện giám sát tại Mái ấm Hoa Hồng (tháng 7/2024). Đồng thời, UBND phường thực hiện kiểm tra thường xuyên tại cơ sở. Qua các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND phường Trung Mỹ Tây phối hợp Tổ công tác của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM thực hiện phân loại trẻ và lập hồ sơ để đưa 86 trẻ đang chăm sóc tại Mái ấm Hoa Hồng ngay trong ngày 4/9, tiến hành đưa các trẻ về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tiếp tục, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định. Cụ thể: 32 trẻ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm Bệnh viện Nhi đồng điều trị bệnh viêm phổi.
Đối với Mái ấm Hoa Hồng, UBND Quận 12 đã chỉ đạo ban hành quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động Quyết định thành lập số 917/GPHĐ của Mái ấm Hoa Hồng.
Về xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có hành vi bạo hành trẻ, UBND quận đã chỉ đạo Công an quận đưa chủ Mái ấm Hoa Hồng và các bảo mẫu, nhân viên mái ấm có liên quan về trụ sở Công an quận lấy lời khai. Hiện, Công an quận đang tạm giữ các cá nhân, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Về trách nhiệm trong công tác quản lý, UBND quận giao Phòng Nội vụ Quận 12 tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.
UBND Quận 12 giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp UBND 11 phường tăng cường thực hiện giám sát công tác quản lý, chăm sóc trẻ tại các cơ sở bảo trợ, trợ giúp xã hội trên địa bàn quận; giao Công an quận khẩn trương hoàn tất điều tra, tham mưu xử lý theo quy định.
Đồng thời, UBND Quận 12 cũng chỉ đạo UBND 11 phường tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND quận tại Công văn số 8103/UBND-LĐTBXH về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động không phép; Công văn số 810/UBND-LĐTBXH về tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp phép và cơ sở hoạt động chưa được cấp phép; Công văn số 4180/UBND-LĐTBXH về tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.
Cạnh đó, tăng cường công tác nắm thông tin, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu nuôi giữ trẻ em không đúng quy định và kiên quyết ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động.
Kiến nghị cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định về sức khỏe, tinh thần các bé
Trao đổi với Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ trẻ em TPHCM cho rằng, qua clip của phóng viên báo Thanh Niên, ai cũng phẫn nộ tột cùng. Các hành động này đã cấu thành tội hành hạ người khác với tính chất “tột khung hình phạt” nên cần khởi tố ngay để trấn an dư luận xã hội, mang niềm tin vào công lý đến mọi người.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hành vi của các “bảo mẫu” này đã không còn ý nghĩa của chữ “bảo” nữa mà là các hành động đánh đập, chụp, ném, quăng… các bé, là người chưa có đủ từ phát triển thể xác, nhận thức, dễ bị thương tổn về thân thể, tinh thần cả cuộc đời. Tổn thương này đặc biệt nghiêm trọng. Cả Việt Nam và thế giới đều lên án. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kiến nghị cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định về sức khỏe, tinh thần các bé để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người của các “bảo mẫu”.