Trong nhiệm vụ quan trọng này, các cấp ủy đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực sự chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên được học các lớp lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết, thông tin thời sự… Đồng thời, được tiếp cận các tài liệu nghiên cứu, tham khảo (trong phạm vi được công bố, sử dụng), nhất là các tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ. Nếu cán bộ, đảng viên thiếu thông tin hoặc được tiếp cận thông tin không đầy đủ rất có thể sẽ không hiểu, hiểu không đúng hoặc hiểu sai một số vấn đề quan trọng.
Chẳng hạn, để tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tình hình Nga – Ukraine, Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM đã ban hành văn bản định hướng và cung cấp tài liệu thông tin nội bộ về vấn đề này. Văn bản này phát hành đến các tổ chức đảng cơ sở thuộc Khối để các tổ chức đảng cơ sở phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và quần chúng ở đơn vị của mình. Đồng thời, trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đơn vị, nếu còn có những ý kiến chưa thống nhất hoặc thắc mắc về vấn đề này thì cần được giải thích, uốn nắn ngay, tránh để lâu thành một vấn đề hạn chế về nhận thức.
Bên cạnh đó, cấp ủy, người đứng đầu đơn vị phải kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên trong tổ chức của mình, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi, tư tưởng chính trị, các dấu hiệu suy thoái về đạo đức, phẩm chất, lối sống… Thí dụ, trong đơn vị có đảng viên tự cho rằng mình bị đối xử bất công về một số lợi ích, như đánh giá thi đua quý chưa xác đáng, người khác thực hiện nhiệm vụ kém hơn nhưng được xếp loại tốt hơn…, có biểu hiện dao động về mặt tư tưởng, có lúc thể hiện sự “ám chỉ” trên mạng xã hội… Cấp ủy, người đứng đầu cần nắm bắt hiện tượng này để có biện pháp xử lý, như tìm hiểu rõ nguyên nhân; giải thích cặn kẽ các vấn đề mà đảng viên đó đặt ra; động viên, khích lệ về mặt tinh thần; rà soát lại việc đánh giá xem có thỏa đáng chưa; uốn nắn, chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội; trong trường hợp có dấu hiệu “tự diễn biến” thì phải phê bình, giải quyết thấu đáo… Nếu xem nhẹ những việc này, có thể làm cho đảng viên “tự chuyển hóa”, khi gặp những thông tin xấu thì dễ tin theo, dễ bị tác động, dễ có hành động lệch lạc, sai trái. Như vậy, chính sự buông lỏng, lơ là của cấp ủy, người đứng đầu có thể làm cho cán bộ, đảng viên mất “sức đề kháng”, từ đó không thể “miễn nhiễm” trước các thông tin xấu độc.
Đồng thời, tổ chức đảng, cấp ủy, người đứng đầu phải có nhiều giải pháp làm cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đối tượng, âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay. Thông qua tổ chức những buổi tập huấn, tọa đàm, hội nghị, tài liệu tuyên truyền…, cán bộ, đảng viên, quần chúng cần được tiếp cận, làm rõ nội hàm, dấu hiệu về thông tin xấu độc; các đối tượng thuộc “diện” chống phá Đảng và Nhà nước; các âm mưu, thủ đoạn, cách thức tổ chức và hoạt động của chúng; các phương tiện mà chúng thường sử dụng để thực hiện âm mưu đó… Trong việc này, cần thể hiện rõ quan điểm “phải tiêm vaccine” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chứ không phải là “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi trong điều kiện thông tin tràn ngập hiện nay, mỗi người đều có thể tiếp cận rất nhiều loại thông tin, nếu không chỉ ra được đâu là thông tin xấu thì hẳn nhiều người sẽ mơ hồ, nhầm lẫn, sai lầm trong nhìn nhận thông tin xấu độc, từ đó tin theo hoặc làm lan truyền nó.
Cuối cùng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải thật sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để làm gương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng học tập noi theo. Sẽ có rất nhiều người nhìn cách thể hiện của người đứng đầu để thực hiện các vai trò của mình trong công tác, sinh hoạt… Một người đứng đầu “tránh nặng tìm nhẹ”, “việc anh công tôi”, “nặng dưới nhẹ trên”… thì không thể thuyết phục được cấp dưới tận tâm, tận lực, phát huy hết trách nhiệm, sáng kiến, sáng tạo. Một người đứng đầu luôn tìm cách vun vén cho lợi ích bản thân, “thân người này lạ người kia”, “kính trên nạt dưới”… thì không thể thúc đẩy cấp dưới công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ, thậm chí manh nha bè cánh, tìm cách qua mặt tổ chức… Một tổ chức đảng, một đơn vị như vậy thì không thể có “đề kháng” tốt với các biểu hiện tiêu cực cũng như trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc.
“Sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên chắc chắn được củng cố, bồi đắp từ bản thân của chính cán bộ, đảng viên; đây là yếu tố rất quan trọng, bởi từ lý tưởng, niềm tin, đạo đức cách mạng, nền tảng giáo dục, truyền thống gia đình, quan điểm sống… là những điều mang tính căn cơ để hình thành nên năng lực và phẩm chất cách mạng của người đó. Tuy nhiên, các yếu tố khác như sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, việc thường xuyên được rèn luyện chuyên môn và đạo đức cách mạng, được làm việc và sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh, tích cực, được thuyết phục và truyền cảm hứng từ người đứng đầu… cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Điều này tương tự như đặt một người khỏe mạnh vào một môi trường độc hại, bệnh tật thì rất có thể người đó cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, dần nhiễm bệnh. Do vậy, để nâng cao “sức đề kháng” phải thực hiện song hành cả yếu tố cá nhân và tập thể, cả yếu tố nội tại bên trong và môi trường bên ngoài của tất cả các cán bộ, đảng viên!