Xem những số báo Kèn gọi lính, Nguyễn Ái Quốc nhắc nhở, không nên dùng chữ khó hiểu, phải viết ngắn, gọn, rõ ràng. Sau đó, Người viết mấy bài cho báo với nội dung yêu nước, ghét thống trị Pháp dưới hình thức văn vần, văn xuôi rất ngắn gọn và dễ hiểu. Từ đó, những số báo, những truyền đơn của các đồng chí có tác dụng rõ rệt trông thấy.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể lại: “Anh em công nhân, bồi bếp, binh lính, bà con buôn bán trông ngóng những số báo của chúng tôi. Những người ít chữ nói đọc những số báo trước không nhớ được ý, nhưng đọc những số báo sau này thì nhớ được rõ và lâu. Y sĩ Thuyết, sang học thuốc ở Thượng Hải, nói trước ngại đọc, vì chỉ thấy nói về cộng sản, bây giờ đã bắt đầu thích đọc, vì thấy các số báo nói nhiều về lòng yêu nước”[1].
Những lời dạy của Bác Hồ về công tác tuyên truyền thực sự nhất quán với tất cả các bài viết, định hướng hay phát biểu của Người ở các nơi khác: phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với số đông quần chúng…
Chúng ta nhớ lại một câu chuyện khác: Ngày 31/8/1963, phát biểu tại hội nghị tuyên huấn miền núi, Bác nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm. (…) Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện…”.
Hiện nay, công tác tuyên truyền có nhiều điểm khác so với trước, như có nhiều phương tiện hơn (trước có có báo in, phát thanh, tuyên truyền miệng, áp phích…, nay có truyền hình, báo điện tử, mạng internet, mạng xã hội…), cán bộ làm công tác tuyên truyền có nhiều thiết bị hỗ trợ hơn (kết hợp phim, hình ảnh, thông qua máy chiếu, biểu đồ…), các điều kiện khác cũng tốt hơn (phòng họp, âm thanh…), trình độ dân trí ngày một cao hơn... Dẫu vậy, yêu cầu về tính ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực… thì vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí, hiện nay, trong bối cảnh thông tin tràn ngập, thời gian của mỗi người lại không nhiều, yêu cầu về những điều đó lại càng bức thiết hơn.
Do đó, vận dụng bài học ở trên vào công tác hiện nay càng có ý nghĩa. Dù trong hình thức tuyên truyền nào, yêu cầu ngắn, gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, phù hợp từng nhóm đối tượng… vẫn phải được đề cao. Chẳng hạn, các pa nô, áp phích… thì cần thật ngắn, có nội dung cụ thể, tránh khẩu hiệu suông, đọc xong không đọng lại điều gì thiết thực; các tờ rơi, tờ bướm nên thiết kế theo hình thức đồ họa (infographic) chứ không nên quá nhiều chữ hoặc chữ nhỏ, cách trình bày đơn điệu…; các bài viết trên không gian mạng (nhất là ở các trang cộng đồng, mạng xã hội) nên cô đọng, sắc gọn, tập trung vào những chủ đề gần gũi, diễn đạt gãy gọn, tránh rườm rà…; trong công tác tuyên truyền miệng thì phải tùy theo đối tượng người nghe mà có cách trình bày phù hợp, nhưng vẫn phải tránh báo cáo dài dòng, lý thuyết mà nên có dẫn chứng cụ thể, sinh động, có hình ảnh minh họa thuyết phục…
Công tác báo chí, truyền thông cũng vậy. Những bài báo mang tính dẫn dắt quần chúng, nhân dân thì nên ngắn gọn, từ nội dung bài cho đến cách thể hiện ở các câu, đoạn; nên có tiêu đề thể hiện một luận điểm mà khi đọc người đọc sẽ đọng lại vấn đề tác giả muốn nói, tránh đặt tiêu đề chung chung; lời lẽ giản dị, trong sáng, tránh dùng nhiều từ ngữ quá hàn lâm hoặc “đao to búa lớn”;…; nên khéo kết hợp dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao để diễn đạt, làm cho bài viết nhẹ nhàng, sinh động…
Bên cạnh đó, một công việc khác tuy không liên quan trực tiếp đến tuyên truyền nhưng ít nhiều có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng, đó là việc thực hiện các báo cáo. Trên tinh thần của các yêu cầu như trên, báo cáo trong công tác xây dựng Đảng cũng cần súc tích, chặt chẽ, có nhiều thông tin và thực sự “có cái để đọc”. Các báo cáo nên tránh nhắc nhiều đến các việc đương nhiên phải làm hoặc có nội dung chung chung, có tính văn bản mà đi sâu vào các vấn đề cụ thể, riêng có của cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng. Trong đó, cần nhấn mạnh các giải pháp, mô hình mới mẻ, đặc sắc, các điển hình tiến tiến, có ý nghĩa thiết thực… Từ các báo cáo loại này, cấp trên hoặc cơ quan truyền thông có thể “lẩy” ra được các chất liệu sinh động cho báo cáo của mình hoặc từ đó làm chất liệu quý cho các bài viết, nhất là về kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng.
Trong công tác tuyên truyền, một đòi hỏi rất quan trọng và rất khó thực hiện là làm sao nội dung tuyên truyền phải “đi vào lòng người” như lời dặn dò của Bác Hồ đối với các đồng chí của mình. Muốn vậy, nội dung tuyên truyền phải thiết thực, có ý nghĩa, có ích và được truyền đạt có “lửa”, có tình cảm, khơi gợi được sự quan tâm, niềm phấn khởi, tinh thần khao khát… của người nghe. Suy cho cùng, đó không còn là kỹ năng, kinh nghiệm mà là một nghệ thuật!
Trúc Giang
-------
[1] Nguyễn Lương Bằng, Những lần gặp Bác, in trong cuốn Đầu nguồn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.25-26.