Bác Hồ nói chuyện với các trí thức là Đại biểu Quốc hội, tại Hà Nội, năm 1964. (Ảnh tư liệu)(Thanhuytphcm.vn) – Giữa năm 1911, sau khi lên tàu Latouch Tréville bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba đã cập cảng thành phố Marseilles (Pháp). Anh nhanh chóng thâm nhập đời sống ở đây và sau vài ngày, anh đã tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ: “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”. Lẽ dĩ nhiên, người Pháp ở Đông Dương chủ yếu là bọn thực dân đến cướp nước ta nên chúng hung hăng, tàn bạo; còn người Pháp ở Pháp thì có đông đảo người nghèo, người lao động…
Chính Văn Ba trước đó khi trông thấy những gái điếm đến làm tiền trên tàu, anh đã nói với người bạn của mình: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”. Chúng ta đều biết thực dân Pháp khi đến xâm lược nước ta đã dùng chiêu bài “khai hóa”, hàm ý sẽ mở mang đời sống nhân dân ta về mọi mặt theo tinh thần “tự do – bình đẳng – bác ái” mà họ luôn rêu rao. Nhưng thực sự thì bọn xâm lược chính là kẻ cướp, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy và thẳng tay đàn áp các tiếng nói đòi chúng thực hiện đúng tinh thần “khai hóa” đó và sẵn sàng dìm nhân dân ta trong biển máu mỗi khi có cuộc nổi dậy nào chống lại sự áp bức của chúng.
Câu hỏi ấy của chàng thanh niên Văn Ba đã bóc trần một sự thật về hành động của thực dân Pháp, không chỉ với nhân dân Đông Dương mà còn ở ngay chính quốc. Lẽ ra thực dân Pháp phải thực hiện đúng khẩu hiệu “tự do – bình đẳng – bác ái” mà chúng luôn ra rả; đồng thời phải tự “khai hóa” cho dân chúng của mình trước khi làm điều đó với dân tộc khác. Chỉ một câu hỏi đó, Văn Ba đã tìm ra sự mâu thuẫn không thể dung hòa giữa lời tuyên truyền và hành động của thực dân Pháp. Và cũng chỉ câu hỏi đó, anh đã tố cáo sự dối trá, lừa bịp của chúng đối với nhân dân ta, cũng như với chính nhân dân Pháp, và hẳn với nhiều dân tộc khác khi bị chúng đô hộ.
Câu hỏi của Văn Ba thực ra đầy tính khái quát. Trên thực tế, chúng ta không hiếm nhìn thấy có hiện tượng lời nói quá khác biệt với việc làm, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau ở một số người, trong đó có cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ lãnh đạo.
Thông thường, người ta hay dễ dàng khi nói về người khác, yêu cầu người khác nhưng với bản thân thì thường lại khó khăn hơn. Bởi khi nói về người khác, hay nói với người khác, người nói gần như không có trách nhiệm và không cần nỗ lực thực hiện, mà việc đó đương nhiên thuộc về người tiếp nhận. Còn khi nói về bản thân thì phải đồng thời gắn cả lời nói và hành động, coi như tự đưa ra lời hứa với người khác và chịu sự giám sát của người khác. Thành ra, trong một số trường hợp, người nói sẽ bị chất vấn (dù trực tiếp hay gián tiếp): Sao không tự mình thực hiện đi mà lại yêu cầu người khác?
Bởi vậy, để rèn luyện các cán bộ cách mạng tương lai, trong bài viết Tư cách một người cách mệnh, trích trong Đường kách mệnh, tác phẩm mang tính cương lĩnh cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn và in lần đầu tại Quảng Châu, năm 1927, phần nói về bản thân được nêu rất đậm, rất dày, so với các phần khác. Người viết:
“Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật”.
Đây đều là những đòi hỏi quan trọng để bảo đảm chuẩn chất của một người cách mạng trong điều kiện chưa thành lập đảng cách mạng, vẫn rất đúng với bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau đó và phải hoạt động trong điều kiện bí mật. Đến nay, hầu hết những yêu cầu này vẫn còn nguyên giá trị. Thực hành tất cả các chuẩn mực đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực thực sự, thường xuyên, liên tục và phải có nghị lực lớn, bởi nếu không thì rất khó thực hiện được đầy đủ, lâu bền.
Còn đối với người, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu phải:
“Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người”.
Điều đầu tiên là phải “khoan thứ”, tức là không xét nét, không định kiến, không áp đặt… Đồng thời, phải chú trọng cả “nghiêm” (đề cao tính kỷ luật), “bày vẽ” (hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ…), “trực” (thẳng thắn)…
Sau cùng, Người dành 4 dòng để nói về “việc”:
“Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể”.
Như vậy, nhìn tổng thể, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu đối với bản thân người cách mạng là cao nhất, nhiều nhất, quyết liệt nhất. Điều này hoàn toàn đúng, bởi như ngạn ngữ có câu: Chiến thắng khó nhất là chiến thắng được bản thân mình. Khi một người tự đặt mình ra ngoài, lên trên hay có ý tách biệt với mọi người nhưng lại yêu cầu người khác phải thế này thế nọ thì có thể bị người khác đặt cho câu hỏi: “Tự mình đã thực hiện tốt chưa mà đòi hỏi ở người khác?”. Nếu ai đó thẳng thắn, thành thật trả lời câu hỏi này có thể xem là một biểu hiện phục thiện, từ đó mới thực sự có tiến bộ. Trái lại, người nào tỏ ra tức giận, “để bụng” ai đó khi nhận được câu hỏi thì e rằng cần phải nỗ lực nhiều, thậm chí cần được sự giáo dục, uốn nắn của tổ chức đảng mới thực sự phát triển!