Liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931 - 1950) (nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia)(Thanhuytphcm.vn) - Khi lãnh đạo dân tộc Việt Nam thực hiện các cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta luôn nêu cao chủ trương phải tận dụng mọi hoàn cảnh thuận tiện, các tổ chức công khai để thu hút tất cả các thành phần xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái; tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo nhân sĩ, trí thức; công nhân, nông dân, sinh viên… vào cuộc đấu tranh yêu nước; phải làm thế nào tất cả mọi người, dù ở địa vị nào, trong trường hợp nào cũng có thể kháng chiến và ủng hộ kháng chiến bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Chủ trương trên đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, mang đến những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược. Một trong những lực lượng góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng thể đó là học sinh, sinh viên ở miền Nam
Từ trước năm 1945, ở miền Nam, nhiều thế hệ học sinh đã đứng lên chống Pháp và chính sách giáo dục của Pháp. Lực lượng này luôn nêu cao dũng khí tham gia biểu tình, bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi thả nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu… Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940, dù gặp nhiều khó khăn do Pháp tăng cường khủng bố, truy quét, đàn áp phong trào yêu nước nhưng học sinh miền Nam vẫn hăng hái tham gia chống Pháp. Sự ra đời Câu lạc bộ Scôla Club của trường Pétrus Ký để cổ vũ, tập hợp học sinh, sinh viên yêu nước là minh chứng sinh động cho khí thế ấy lúc bấy giờ. Đặc biệt, cùng với phong trào sinh viên yêu nước ở Hà Nội, sự ủng hộ, cổ vũ của các tờ báo tiến bộ như Báo Thanh Niên đã tiếp thêm sức mạnh cho học sinh miền Nam tiếp tục xuống đường đấu tranh yêu nước mạnh mẽ hơn. Hàng triệu thanh niên, học sinh, sinh viên đứng vào hàng ngũ của các tổ chức cách mạng như Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc, Việt Minh và tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8.
Sau khi tái chiếm miền Nam Việt Nam năm 1946, Pháp mở lại trường học. Nhưng Pháp gặp phải sự đấu tranh mạnh mẽ của học sinh, sinh viên. Những năm 1946, 1947, phong trào “bãi học, bãi thi” phát triển rất mạnh trong giới học sinh, sinh viên miền Nam. Những cuộc thi bằng Trung học đệ nhất, Tú tài Pháp tại Sài Gòn rất ít thí sinh tham dự, dù Pháp đã hạ điều kiện dễ dàng, không cần là học sinh trường Pháp, không cần giấy chứng nhận đã học hết các lớp theo quy định cho mỗi văn bằng. Ở bậc đại học, vấn đề chuyển ngữ được chính quyền tay sai Sài Gòn hứa hẹn nhiều năm nhưng không thực hiện. Do đó, sinh viên, giáo giới liên tục đấu tranh mạnh mẽ, kéo dài đến tận năm 1954.
Hình ảnh học sinh, sinh viên tập trung tại sân trường Pétrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) dự tang lễ anh Trần Văn Ơn (nguồn: Tuoitre.vn)Qua nhiều năm trưởng thành, học sinh, sinh viên đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và được hậu thuẫn sâu, rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đến giai đoạn 1949 - 1950, nhiều trường học đã thành lập được chi bộ, liên chi bộ Đảng. Đến năm 1954, chỉ riêng khối trường tư thục ở Sài Gòn - Gia Định đã có đến 11 chi bộ Đảng. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Sài Gòn - Gia Định được tổ chức bài bản, chính quy và có hệ thống hơn. Nhiều chủ trường tư thục tìm cách ủng hộ phong trào kháng chiến yêu nước như nhận cán bộ kháng chiến vào trường dạy, bảo vệ các giáo sư, giáo viên khi Pháp đến trường khủng bố, bắt bớ; giúp học sinh thay đổi hình thức tham gia phong trào yêu nước…
Với lực lượng và tổ chức ngày càng mạnh mẽ, ngoài đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống giáo viên, đòi mở thêm trường, giảm học phí,… học sinh, sinh viên miền Nam còn tổ chức nhiều hoạt động nổi bật khác như: ngày 13/6/1949, nhân dịp “Quốc trưởng” Bảo Đại ghé thăm trường Pétrus Ký và nhân việc Pháp bắt giữ 5 học sinh trong ban lãnh đạo học sinh biểu tình chống khủng bố, chống chế độ thi cử bất công, học sinh trường Pétrus Ký đã tổ chức bãi khóa. Phong trào này nhanh chóng lan sang nhiều trường khác ở Sài Gòn - Gia Định. Nữ sinh Gia Long khiêng bàn ghế chặn các ngả ra vào, xé cờ ba que, xé các băng khẩu hiệu, rải truyền đơn để phản đối Bảo Đại. Cuộc bãi khóa kéo dài đến kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23/9/1949 ở hầu hết các trường tại Sài Gòn - Gia Định.
Đến tháng 11/1949, đồng thời với nhiều cuộc bãi công, bãi thị của công nhân và tiểu thương, học sinh nhiều trường công và tư thục, đặc biệt là hai trường Marie Curie và Chasseloup tổ chức bãi khóa. Giám đốc Nha học chính Sài Gòn ra lệnh bắt 12 học sinh vì cho rằng “cuộc bãi khóa mang tính chất chính trị”. Đỉnh điểm là ngày 9/1/1950, hàng ngàn học sinh, sinh viên cùng thầy cô của các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, trường Kỹ thuật Gia Định, trường Luật, khoa học,… tham gia bãi khóa. Đoàn người sau đó kéo lên dinh Thủ Hiến đấu tranh (nay là Bảo tàng TPHCM) đòi trả tự do cho học sinh bị giam cầm và hủy bỏ lệnh đóng cửa trường học. Nhân dân kéo đến tham gia cuộc biểu tình của học sinh ngày càng đông. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, để chống lại cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên, giáo giới, phụ huynh, Pháp huy động 500 cảnh sát và binh lính tấn công đoàn biểu tình. Cuộc đàn áp diễn ra rất đẫm máu. Hơn 30 học sinh bị thương nặng, một số học sinh khác bị bắt. Học sinh Trần Văn Ơn bị trúng đạn và hi sinh dưới họng súng của lính Pháp.
Băng rôn ghi dòng chữ “Bạn dầu thác tên bạn muôn đời còn sống” và câu đối điếu “Chết vì nghĩa tinh thần còn đó - Sống vô nhân hồn xác mất đi” của nữ sinh Sài Gòn - Gia Định tại đám tang anh Trần Văn Ơn (nguồn: Tuoitre.vn)Cái chết của Trần Văn Ơn đã gây phẫn nộ lớn trong toàn vùng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 12/1/1950, khoảng nửa triệu người với nhiều thành phần từ nhân sĩ, tri thức, nhà báo, tu sĩ, công nhân… đã tham gia đám tang học sinh Trần Văn Ơn. Dòng người hô vang khẩu hiệu: “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống; Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Người dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đứng hai bên đường nghiêm trang cúi đầu tiễn biệt học sinh Trần Văn Ơn đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Có thể nói đây là, cuộc biểu tình thu hút đông đảo quần chúng nhất trong thời kỳ chống Pháp năm 1946 - 1954.
Tiếp theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Hoa vận, phong trào học sinh người Hoa phản đối nhà cầm quyền đóng cửa các lớp trung học Phúc Kiến. Ngày 15/2/1950, việc Pháp bắt và tra tấn đến chết học sinh người Hoa Trần Bội Cơ càng làm cộng đồng người Hoa thêm quyết tâm tham gia đấu tranh yêu nước mạnh mẽ hơn. Ngày 19/3/1950, thực hiện chủ trương của Thành ủy và lời kêu gọi của “Ủy ban Liên lạc các giới”, hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo giới tham gia bãi khóa, tổ chức mít tinh tại trường Tôn Thọ Tường (nay là trường Ten-lơ-man), rồi kéo đi biểu tình tuần hành. Từ sau năm 1950, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên miền Nam tiếp tục được củng cố, phát triển không ngừng. Những phong trào này góp phần mở rộng mặt trận đấu tranh chống Pháp, tạo thêm những áp lực chính trị để buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 9/1/1950, đánh dấu một trang sử hào hùng và là biểu tượng cho phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên ở Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng. Sau này, để tưởng nhớ sự hi sinh của học sinh Trần Văn Ơn, cũng như nhằm phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước trong học sinh, sinh viên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, diễn ra từ ngày 22 - 23/11/1993 ở Hà Nội, ngày 9/1 được chọn làm ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam - ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
[1] Bài viết được biên soạn từ 2 tài liệu:
- Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (2018), Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập II (từ trang 769 - 778), Nxb. Tổng hợp TPHCM.
- Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến, Lưu Văn Quyết, Hà Kim Phương (2007), Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945 - 1975 (từ trang 76 - 78), Nxb. Tổng hợp TPHCM.