(Thanhuytphcm.vn) - Đêm 18/8, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Củ Chi, TPHCM) đã tiếp nhận can thiệp và cấp cứu cho cụ bà L.H.T. (sinh năm 1940, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM) bị nhồi máu cơ tim.
Ban đầu cụ T. bị đau bụng, người nhà cứ nghĩ bệnh đường tiêu hóa thông thường nên để nghỉ ngơi tại nhà, nhưng không ngờ cụ đã bị nhồi máu cơ tim. Người nhà cụ T. cho biết, tình trạng đau bụng nôn mửa, mệt mỏi của cụ T. đã có từ lúc trưa. Đến đêm khuya thì triệu chứng bệnh càng lúc càng nặng nên hốt hoảng đưa đến Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu. Bệnh nhân nhập vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, ói nhiều, mệt lả người, tụt huyết áp.
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Xuyên Á, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám và kiểm tra lâm sàng. Kết quả điện tim ghi nhận có dấu hiệu bất thường. Lập tức, các bác sĩ Khoa Can thiệp Tim mạch nhanh chóng được mời hội chẩn và xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vùng sau dưới, có biến chứng rối loạn nhịp chậm và block nhĩ thất.
Bệnh nhân T. được chụp mạch vành, can thiệp cấp cứu với sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA). Tại đây, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch nhằm giúp cho nhịp tim được ổn định 60 lần/phút, nâng huyết áp (ảnh).
Hình chụp cận mạch vành ghi nhận bệnh nhân bị hẹp nặng mạch vành bên trái và tắc hoàn toàn động mạch vành bên phải tại vị trí xuất phát. Ekip các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành nong động mạch vành và mở thông động mạch vành ở vị trí tắc, khôi phục dòng chảy bình thường. Sau can thiệp, điện tim cải thiện, nhịp tim bệnh nhân trở về nhịp xoang bình thường và huyết áp ổn định. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân T. đã ổn định.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Xuyên Á khuyến cáo, những bệnh nhân lớn tuổi và đặc biệt là kèm theo bệnh lý tim mạch khi có những biểu hiện đau bụng thì phải cẩn thận. Nên đến khám tại các bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại, nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời nhồi máu cơ tim nếu có. Bởi đó cũng là một trong những dấu hiệu nhồi máu cơ tim vùng sau dưới, có thể gây ra biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp chậm mà nhiều người chủ quan là bệnh lý đường tiêu hóa. Việc xử lý can thiệp, điều trị chậm trễ có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí là người bệnh tử vong.