Ông Phan Minh Lê thông tin thông tin tại buổi họp báo (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 5/2, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã thông tin về kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 12/8/2024 của UBND TPHCM về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025.
Ông Phan Minh Lê, Phó Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị được phân công nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu với 2 nhóm giải pháp chính. Cụ thể là xây dựng và thực hiện Chương trình Hải quan - Doanh nghiệp - đối tác tin cậy cùng phát triển và Chương trình Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về Hải quan.
Tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các ứng dụng
Đối với việc Xây dựng và thực hiện Chương trình Hải quan - Doanh nghiệp - đối tác tin cậy cùng phát triển, ông Phan Minh Lê thông tin, xuyên suốt năm 2024, Hệ thống Thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS), Hệ thống Quản lý Hải quan tự động (VASSCM) và các chương trình vệ tinh hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ theo phương thức quản lý hiện đại, tập trung, thanh toán (e-Payment), cấp phép tự động (e-Permit), C/O điện tử (e-C/O) được vận hành hiệu quả, ổn định, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; các sự cố phát sinh được ứng phó, xử lý kịp thời. Hệ thống quản trị tập trung (HCAS) được tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các ứng dụng hướng đến Hệ thống trở thành một hệ sinh thái quản trị - điều hành - hỗ trợ kết nối chia sẻ thông tin giữa Cục Hải quan TPHCM với các sở ban ngành trên địa bàn cũng như kết nối hoạt động nghiệp vụ với hỗ trợ và cung cấp, trao đổi thông tin cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan TPHCM chú trọng đẩy mạnh, tăng cường mối quan hệ hợp tác hải quan - doanh nghiệp, trong đó tập trung việc phối hợp với các cơ quan lãnh sự, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình đối thoại doanh nghiệp thường niên và theo chuyên đề nhằm một mặt tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hải quan, một mặt kịp thời chia sẻ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Đồng thời, Cục Hải quan TP đã triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho dòng chảy thương mại; duy trì việc thực hiện niêm yết công khai địa chỉ hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính theo quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của Cục, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a nhằm tăng cường việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Đối với việc thực hiện Chương trình thí điểm Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về Hải quan, ông Phan Minh Lê chia sẻ, thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của Tổng Cục Hải quan, Cục Hải quan TP đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ công nhận doanh nghiệp tham gia Chương trình với 17 doanh nghiệp phát sinh hoạt động xuất khẩu nhập khẩu chủ yếu tại 5 Chi cục trực thuộc Cục. Theo đó, Cục Hải quan TP đã xây dựng Kế hoạch hành động gửi 17 doanh nghiệp tham gia và thông báo định kỳ theo quý tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình vi phạm và đưa các khuyến nghị tác động đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Các cửa ưu tiên, biển chỉ dẫn đã được bố trí để doanh nghiệp thành viên thực hiện việc kiểm tra hồ sơ tại Chi cục Hải quan. Cùng với đó là quy chế phối hợp với đơn vị kho bãi cảng đã được xây dựng để có khu vực riêng cho việc kiểm tra thực tế hàng hoá của doanh nghiệp thành viên. Đồng thời, Cục Hải quan TP đã bố trí cán bộ công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp, làm đầu mối tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp khi cần thiết.
Chương trình tập trung vào việc hỗ trợ trao đổi thông tin, cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; cảnh báo doanh nghiệp xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, các rủi ro nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, thông qua Chương trình, cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên các biện pháp để phòng tránh vi phạm, phòng tránh các rủi ro, hoặc các biện pháp khắc phục, giảm thiểu các lỗi, vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thành viên còn được ưu tiên xem xét áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị; được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo nhằm kịp thời cập nhật, nắm vững và tuân thủ các quy định mới liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu cùng nhiều các hoạt động khuyến khích khác.
Từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Cục Hải quan TPHCM, trong số 17 doanh nghiệp, 11 doanh nghiệp duy trì mức độ tuân thủ, 4 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 4 (tuân thủ trung bình) và mức 3 (tuân thủ cao) sang mức 2 (tuân thủ rất cao).
Hiện Chương trình đã kết thúc giai đoạn 2 năm thí điểm để tổng kết đánh giá, ghi nhận các khó khăn vướng mắc, đưa ra các giải pháp, kế hoạch triển khai chính thức chương trình, hướng tới việc mở rộng phạm vi doanh nghiệp tham gia và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.